Để làm rõ hơn quyền được yêu cầu bồi thường của DN cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi gây thiệt hại cho DN, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các luật sư về vấn đề này.
Thưa luật sư, trong trường hợp DN bị thiệt hại do những hành vi và quyết định hành chính của các cơ quan chức năng, họ phải căn cứ vào những quy định pháp luật nào để yêu cầu được bồi thường?
– Luật sư Lê Thiên (Cty Luật TNHH Lê và Liên danh): Theo Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (Luật TNBTNN), DN có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định doanh nghiệp thuộc trường hợp được bồi thường. Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường đối với từng lĩnh vực tương ứng.
– Luật sư Lê Văn Trung (Cty Luật Hợp danh Đông Nam Á): Căn cứ Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó. Như vậy, về nguyên tắc người nào gây thiệt hại cho người khác thì người đó phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Vậy khi không được giải quyết thỏa đáng, DN có thể khởi kiện ra Tòa?
– Luật sư Lê Ngọc Hà (Văn phòng Luật sư Đa Phúc): Theo Điều 103 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thì cá nhân, tổ chức, DN có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước trong trường hợp không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó. Đồng thời, người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra các yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần, về uy tín, danh dự, thương hiệu bị ảnh hưởng thiệt hại từ quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra.
Trong trường hợp này các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Toà án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.
– Luật sư Lê Thiên: Về nguyên tắc, khi yêu cầu bồi thường không được giải quyết thỏa đáng thì DN có quyền nộp hồ sơ khởi kiện lên tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Sau khi hồ sơ được thụ lý, DN có được bồi thường hay không và mức bồi thường như thế nào sẽ do Tòa án quyết định.
– Luật sư Lê Văn Trung: Để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, phải đối chiếu đến các điều kiện được quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, phải có thiệt hại xảy ra; phải có hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Ngoài những thiệt hại về vật chất, DN có quyền yêu cầu bồi thường về uy tín, thương hiệu bị giảm sút hay không? Pháp luật điều chỉnh vấn đề này như thế nào, thưa luật sư?
– Luật sư Lê Thiên: Uy tín, thương hiệu là tài sản vô hình của DN. Tuy nhiên, Luật TNBTNN hiện hành chưa đề cập đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi uy tín, thương hiệu của DN bị thiệt hại. Do vậy, việc xác định mức bồi thường khi uy tín, thương hiệu của DN bị ảnh hưởng là rất khó khăn.
– Luật sư Lê Văn Trung: Thương hiệu là một khái niệm xã hội, không phải là khái niệm trong pháp lý. Thương hiệu được hiểu như nhãn hiệu, uy tín, cơ hội kinh doanh của DN trên thị trường. Thiệt hại về tinh thần chính là thương hiệu, uy tín của DN bị tổn hại nghiêm trọng do bị khách hàng tẩy chay, mất tín nhiệm khiến các đối tác không còn hợp tác để sản xuất, kinh doanh. Do đó, DN hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với “thương hiệu” bị giảm sút.
Một vấn đề đặt ra là thiệt hại để yêu cầu bồi thường là những thiệt hại thực tế, việc chứng minh thiệt hại đối với “thương hiệu” của DN phải thông qua thiệt hại thực tế xảy ra.
– Luật sư Lê Ngọc Hà: Thiệt hại về vật chất thường dễ chứng minh, nhưng thiệt hại về uy tín, thương hiệu rất khó định tính, định lượng nên thực tiễn Tòa án rất khó giải quyết. Người đưa ra yêu cầu phải tự tìm chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng, đủ cơ sở pháp lý thì Tòa án mới công nhận.
Không chỉ bị thiệt hại về vật chất và thương hiệu, trong một số trường hợp DN còn lâm vào tình trạng phá sản do những tuyên bố gây sốc hoặc những quyết định hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong trường hợp này, việc bồi thường sẽ giải quyết ra sao?
– Luật sư Lê Văn Trung: Khi một DN bị phá sản có thể có nhiều nguyên nhân. Trường hợp vì bị xử lý oan mà dẫn đến phá sản thì cơ quan đã xử oan cho DN phải bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Về giá trị DN cũng cần có cơ quan định giá trước thời điểm DN này bị xử oan dẫn đến phá sản.
– Luật sư Lê Ngọc Hà: Tòa án chỉ giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại của người khởi kiện ở thời điểm xét xử. Vì vậy, nếu sau này (khi còn thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày cơ quan quản lý hành chính nhà nước… có quyết định, hành vi hành chính vi phạm pháp luật) mà DN phá sản, làm ăn thua lỗ và chứng minh được là do hậu quả của quyết định, hành vi hành chính vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức gây ra thì DN đó vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
– Luật sư Lê Thiên: Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật TNBTNN về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút thì “Cá nhân, tổ chức có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất”. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó dự đoán được DN sẽ hoạt động trong thời gian bao lâu nên dù có xác định được doanh thu thực tế của DN cũng không dễ xác định mức bồi thường.
Tôi tin rằng sau những vướng mắc trong việc thực hiện trách nhiệm bồi thường, Nhà nước sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để giải quyết các vấn đề trong việc bồi thường thiệt hại cho DN, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN tốt hơn.
Trân trọng cám ơn các luật sư!
Vân Thanh (thực hiện)