Nhằm giúp Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo hiểu rõ quy trình pháp lý, hồ sơ cần thiết để thực hiện thủ tục.
1. Hình thức đầu tư kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam
Dịch vụ quảng cáo (CPC 871) được cam kết trong Biểu cam kết dịch vụ WTO mà Việt Nam là thành viên. Cam kết như sau:
“Không hạn chế, ngoại trừ: Kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh. Kể từ ngày 1/1/2009, không hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong liên doanh”.
Như vậy, Nhà đầu tư nước ngoài không được phép thành lập công ty quảng cáo 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, mà chỉ được phép thành lập công ty liên doanh hoặc hợp tác theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Số vốn góp để thành lập công ty không bị hạn chế tỷ lệ, mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu nhỏ hơn 100%.
2. Về điều kiện đầu tư của đối tác Việt Nam
Đối với kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Theo Biểu cam kết dịch vụ WTO có quy định “các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo”. Như vậy, đối tác Việt Nam phải đáp ứng điều kiện là doanh nghiệp đã đăng ký ngành nghề quảng cáo, có tài liệu chứng minh kinh nghiệm hoạt động dịch vụ này.
3. Về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quảng cáo
Đối với lĩnh vực quảng cáo, tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định về các Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, bao gồm:
– Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật;
– Thuốc lá;
– Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên;
– Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo;
– Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc;
– Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;
– Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực;
– Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Như vậy, Nhà đầu tư cần lưu ý khi tiến hành kinh doanh dịch vụ quảng cáo để tránh việc vi phạm các quy định liên quan đến sản phẩm quảng cáo;
4. Quy trình thực hiện thủ tục
Bước 1: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư;
Bước 2: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
5. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
5.1. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
a. Hồ sơ cần soạn thảo;
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
– Đề xuất dự án đầu tư
– Bản thuyết minh về năng lực tài chính của Nhà đầu tư;
– Bản giải trình đáp ứng điều kiện đầu tư đối với Nhà đầu tư nước ngoài;
– Quyết định của Nhà đầu tư (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);
– Giấy ủy quyền trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba đại diện thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư;
b. Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp;
* Tài liệu chung;
– Bản sao chứng thực Hợp đồng thuê địa điểm hoặc thỏa thuận nguyên tắc hợp đồng thuê địa điểm để thực hiện dự án. Kèm theo tài liệu này là bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của bên cho thuê địa điểm là tổ chức (có ngành nghề kinh doanh bất động sản); bản sao chứng thực Giấy phép xây dựng; bản sao chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với địa điểm thuê là nhà);
* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài;
– Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Quyết định, Giấy phép thành lập của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài;
– Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Báo cáo tài chính có kiểm toán 2 năm gần nhất của Nhà đầu tư hoặc Xác nhân số dư tài khoản Ngân hàng của Nhà đầu tư nước ngoài để chứng minh năng lực tài chính;
– Bản sao chứng thực Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật và người đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài;
* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài;
– Bản sao chứng thực Hộ chiếu của nhà đầu tư;
– Bản dịch công chứng Xác nhân số dư tài khoản Ngân hàng của Nhà đầu tư để chứng minh năng lực tài chính;
* Tài liệu riêng đối với doanh nghiệp Việt Nam thực hiện liên doanh;
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam thực hiện liên doanh;
– Bản sao chứng thực Báo cáo tài chính có kiểm toán 2 năm gần nhất của doanh nghiệp Việt Nam hoặc Xác nhân số dư tài khoản Ngân hàng của doanh nghiệp Việt Nam để chứng minh năng lực tài chính;
– Bản sao chứng thực Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đại diện quản lý phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam thực hiện liên doanh;
5.2. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
a. Hồ sơ cần soạn thảo;
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ Công ty;
– Danh sách thành viên (đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên); Danh sách cổ đông sáng lập (đối với Công ty Cổ phần);
– Quyết định của Nhà đầu tư (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);
– Danh sách người đại diện theo ủy quyền (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);
– Giấy ủy quyền trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba đại diện thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp;
b. Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp;
* Tài liệu chung;
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Bước 5.1);
– Bản sao chứng thực Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật của Công ty dự kiến thành lập;
* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là tổ chức;
– Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Quyết định, Giấy phép thành lập của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài (mục b, Bước 5.1)
– Bản sao chứng thực Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật và người đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài (tương tự mục b, Bước 5.1);
* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài;
– Bản sao chứng thực Hộ chiếu thành viên/ cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài (tương tự mục b, Bước 5.1);
* Tài liệu riêng đối với doanh nghiệp Việt Nam thực hiện liên doanh;
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam thực hiện liên doanh (mục b, Bước 5.1);
– Bản sao chứng thực Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và người đại diện quản lý phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam thực hiện liên doanh (mục b, Bước 5.1);
** Văn bản pháp luật liên quan
(1) Biểu cam kết Thương mại và Dịch vụ WTO;
(2) Luật Đầu tư 2020;
(3) Luật Doanh nghiệp 2020;
(4) Luật Quảng cáo 2012;
(5) Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH Luật Quảng cáo ngày 10/12/2018;
(6) Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư;
(7) Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
(8) Các văn bản pháp lý có liên quan khác.