Vi phạm bản quyền phim truyền hình: Khó xử lý vì quy trình

VTV.vn – Thời gian từ lúc gửi hồ sơ đến lúc giải quyết vi phạm bản quyền phim truyền hình Việt trung bình là 3 – 5 tuần, trong khi trung bình của thế giới là 1 tuần đến – 10 ngày.

Nan giải chuyện vi phạm bản quyền phim truyền hình

Theo nghiên cứu gần đây nhất, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về vi phạm bản quyền trên môi trường số. Trong đó, phim truyền hình chiếm tỷ lệ đáng kể, bên cạnh các nội dung thể thao, gameshow hay tin tức thời tiết. Tình trạng này khiến các nhà sản xuất gặp thiệt hại không nhỏ.

“Việc vi phạm bản quyền đem đến sự thất thu lớn cho Đài THVN. Tại Đài THVN, ngoài phát sóng trên hạ tầng TV truyền thống thì chúng tôi cũng đang cố gắng phát sóng trên các nền tảng số”, đạo diễn Khải Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Phim Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ.

“Từ khi có việc xem video trên các nền tảng MXH thì tình trạng vi phạm bản quyền của Đài THVN diễn ra nhiều và nghiêm trọng, trải dài trên nhiều thể loại chương trình khác nhau, càng ngày tỷ lệ vi phạm càng tăng, rất khó đong đếm được thiệt hại”, ông Nguyễn Thanh Vân – Phó Trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam – cho biết thêm.

Hiện nay, các đơn vị có chức năng xử lý vi phạm bản quyền bao gồm: Cục phát thanh truyền hình, Thanh tra bộ VHTTDL, thanh tra Bộ thông tin và truyền thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bộ công an. Quy trình cơ bản gồm các bước: cácc đài truyền hình nộp đơn khiếu nại – Cơ quan chức năng nhận đơn, xem xét – Cơ quan chức năng yêu cầu nhà mạng chặn nội dung vi phạm. Thời gian từ lúc gửi hồ sơ đến lúc giải quyết trung bình là 3- 5 tuần, trong khi trung bình thế giới là 1 tuần đến – 10 ngày.

Theo luật sư Nguyễn Thu Thủy, lý do hiện tượng vi phạm bản quyền phim truyền hình khó giải quyết vì nhu cầu xem phim lậu của người sử dụng mạng rất lớn, có tới 60% những người được hỏi đã thừa nhận có truy cập vào những nội dung vi phạm bản quyền. Nguyên nhân nữa là tốc độ Internet của Việt Nam khá nhanh, chi phí rẻ và các chế tài đối với những trang Web lậu chưa đủ sức răn đe.

“Cơ quan quản lý nhà nước, nhà mạng và chủ sở hữu nội dung phải có cách thức nào đó để phối hợp trao đổi thông tin, các giải pháp để đối phó nhanh nhất khi các trang web thay đổi tên miền”, luật sự Nguyễn Thu Thủy nói.

Gia tăng hiện tượng phim truyền hình bị cắt vụn trên mạng

Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện hình thức vi phạm bản quyền mới, đó là “review”, tức là bình luận phim. Theo đó, phim truyền hình bị chia cắt thành những đoạn ngắn, kèm theo chú thích, bình luận nhiều khi không chỉ sai lệch nội dung phim mà còn dung tục, phản văn hoá. Và điều đáng nói là những clip kiểu như vậy lại thu hút một lượng người xem rất lớn.

Phim truyền hình Việt đang là “mỏ tài nguyên” để các đối tượng khai thác lậu, rồi băm nát, phục vụ xu hướng xem video ngắn trên các nền tảng số. Phổ biến nhất là chia mỗi tập thành nhiều đoạn ngắn, sau đó gắn tiêu đề theo hướng giật gân, phản cảm. Nếu chỉ lướt qua, người dùng có thể không nhận ra đó là trích đoạn phim, cho đến khi mở video. Có khi cùng một phim, cùng phân cảnh, tình huống, mỗi kênh lại có cách khai thác khác nhau, đôi khi làm sai lệch cả nội dung gốc. Mỗi video thu về hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem nếu đó là bộ phim đang được chú ý.

Tình trạng tình trạng cắt vụn phim truyền hình không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị sản xuất mà có nguy cơ làm lệch lạc thị hiếu, cách thưởng thức tác phẩm của công chúng.

Giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền nhìn từ thế giới

Không chỉ Việt Nam, vi phạm bản quyền là vấn nạn chung trên toàn cầu, khiến tất cả các đài truyền hình lớn đều đau đầu tìm cách đối phó. Khó nhưng không phải là không làm được, và không thể không làm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của các cơ quan báo chí tự chủ. Vậy các đài truyền hình lớn bảo vệ bản quyền phim truyền hình của mình như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thu Thủy cho hay, quy trình ngăn chặn của Việt Nam hiện chưa được như nhiều nước, như Malaysia hay Indonesia có quy trình chỉ mất 48 giờ.

Hàn Quốc từ lâu đã có những nỗ lực về cải cách các thủ tục, quy định, pháp luật để theo kịp và hỗ trợ cho công tác bảo vệ bản quyền, trong đó có bản quyền truyền hình và các nội dung số. Từ năm 1986 đến nay, nước này đã 20 lần chỉnh sửa Luật Bản quyền cho phù hợp với xu thế phát triển. Hàn Quốc cũng thành lập đội ngũ cảnh sát bản quyền trực thuộc Bộ Văn hóa, chuyên điều tra, giải quyết các vụ việc về bản quyền. Ngoài bị phạt hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tù nhiều năm.

Các đài truyền hình và nhà sản xuất nội dung số của Hàn Quốc cũng chủ động phối hợp với các nền tảng như Youtube, Facebook để xây dựng một hệ thống hỗ trợ liên quan đến việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm bản quyền qua các cổng thông tin tìm kiếm, qua đó góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm bản quyền trên các nền tảng này.

Bên cạnh việc chặn các trang web “lậu”, Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc còn tập trung vào việc chặn các nguồn doanh thu bằng cách ngăn chặn các quảng cáo trực tuyến của hầu hết các trang web vi phạm bản quyền. Theo đó, thúc đẩy các thỏa thuận tự nguyện giữa chủ sở hữu bản quyền với ngành quảng cáo trực tuyến, các hiệp hội liên quan và các nhà khai thác cổng thông tin lớn. Những nỗ lực trên bước đầu đã đạt kết quả tích cực… khi tỷ lệ sao chép bất hợp pháp các nội dung kỹ thuật số tại Hàn Quốc đã giảm liên tục trong 3 năm qua.

Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Điều cần nhất là bộ máy thực thi phải linh hoạt nhanh nhạy hơn thì mới bảo vệ được những đơn vị, tổ chức đã bỏ tiền của, tâm sức, trí tuệ tạo ra phim truyền hình, món ăn tinh thần bổ ích cho cộng đồng. Nếu phim truyền hình tiếp tục bị xâm phạm, người thiệt hại cuối cùng sẽ chính là người dùng khi mất cơ hội được xem những sản phẩm mới hay hơn, chất lượng hơn, tinh tuý hơn…