Cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất không?

QUYỀN NHẬN THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA CÁ NHÂN

Thế chấp tài sản là một trong những hình thức phổ biến nhất hiện nay để vay tiền. Thông thường, người dân sẽ thế chấp nhà đất tại ngân hàng. Tuy nhiên, liệu cá nhân có được nhận thế chấp quyền sử dụng đất không?

  1. Quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất của cá nhân

Việc nhận thế chấp của cá nhân đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.

Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 không quy định quyền nhận thế chấp tài sản (kể cả quyền sử dụng đất, nhà ở) cho chỉ tổ chức hoặc cụ thể hơn là tổ chức tín dụng, mà chỉ quy định chung không phân biệt tổ chức hay cá nhân. Cụ thể hơn, theo Luật Đất đai 2013 tại điểm g, khoản 1, Điều 179 có quy định về quyền của hộ gia đình, cá nhân sự dụng đất thì được thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc thế chấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật. Tương tự, Điều 144 Luật Nhà ở 2014 quy định với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức thì chỉ được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, nhưng chủ sở hữu nhà ở là cá nhân thì được thế chấp cho tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc thế chấp cho cá nhân. Điều 35 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

Như vậy, quyền nhận thế chấp nhà, đất của các cá nhân đã được quy định từ Bộ luật Dân sự đến các luật chuyên ngành về đất đai, nhà ở, không phải cho đến khi Nghị định số 21/2021/NĐ-CP được ban hành mới có quyền này.

  1. Điều kiện nhận thế chấp quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 35 Nghị định 21/2021/NĐ-CP và điểm a khoản 3 Điều 167, khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, để việc nhận thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực, cần đáp ứng các điều kiện sau:

2.1. Điều kiện về chủ thể

– Cá nhân nhận thế chấp là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Nói cách khác, cá nhân nhận thế chấp phải là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, không thuộc trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

– Bên thế chấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thế chấp quyền sử dụng đất của mình phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Nếu là hộ gia đình phải được sự đồng ý bằng văn bản của các thành viên có chung quyền sử dụng đất (văn bản có công chứng).

2.2. Điều kiện về nội dung

– Việc nhận bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác.

– Trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác áp dụng không được vượt quá giới hạn thỏa thuận về lãi, lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 5 Điều 466 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật thì chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn.

2.3. Điều kiện về hình thức

Hợp đồng thế chấp phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.

2.4. Điều kiện về quyền sử dụng đất

Theo Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, quyền sử dụng đất phải có các điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận.

– Đất không có tranh chấp.

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

– Còn thời hạn sử dụng đất (trong thời hạn sử dụng đất).

Ngoài các điều kiện trên thì việc thế chấp phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

  1. Hồ sơ, thủ tục nhận thế chấp quyền sử dụng đất

3.1. Hồ sơ đăng ký thế chấp

Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định người yêu cầu đăng ký thế chấp nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:

– Phiếu yêu cầu đăng ký theo Mẫu số 01/ĐKTC (01 bản chính).

– Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng hoặc chứng thực (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

– Bản chính Giấy chứng nhận đã cấp (Sổ đỏ, Sổ hồng).

– Trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì phải có văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).

– Giấy tờ chứng minh trong những trường hợp sau:

+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);

+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.

3.2. Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ

Nơi nộp hồ sơ: Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Giải quyết

Thời gian giải quyết: Không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Như vậy, cá nhân có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất với điều kiện, hồ sơ và thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất của cá nhân. Nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.