Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 19-7 tới, theo kế hoạch, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (VNCB) cùng 35 đồng phạm bị truy tố về tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”.
Dự kiến phiên tòa xét xử sẽ kéo dài trong 3 tuần. Như vậy, sau tròn 2 năm thực hiện trình tự tố tụng theo qui định của pháp luật, vụ “đại án” về kinh tế này sẽ được xét xử sơ thẩm. Trước đó, tại phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, vụ án Phạm Công Danh là một trong những vụ án được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm đưa ra xét xử, với quan điểm “chứng cứ tới đâu xử lý tới đó”, đồng thời bảo đảm nghiêm minh của pháp luật, đúng người, đúng tội.
Trở lại vụ án này, sau kết thúc điều tra và cáo trạng truy tố 36 bị can giai đoạn I, số thiệt hại mà bị can Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây ra là rất lớn. Đối với hành vi “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, thiệt hại được xác định là hơn 7.000 tỷ đồng; còn với hành vi “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, con số thiệt hại lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.
Trách nhiệm chính trong vụ án nghiêm trọng này, thuộc về Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB và cùng các đồng phạm khác liên đới sẽ được xem xét, xử lý nghiêm minh tại phiên tòa sơ thẩm sắp tới. Tuy nhiên, điều mà dư luận đặt dấu hỏi là vì sao, Phạm Công Danh đã từng có tiền án mà vẫn được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT VNCB? Theo qui định, việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại là thông qua Đại hội cổ đông, nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng vì sao Phạm Công Danh vẫn được chuẩn y chức danh này? Câu hỏi nêu trên chúng tôi chuyển đến cơ quan tố tụng xem xét và kết luận.
Ngược lại thời gian, chúng tôi được biết, ông Phạm Công Danh trước đây có nghề sản xuất gạch hoa. Mới hơn 20 tuổi, nhưng Phạm Công Danh đã có một cơ ngơi lớn. Nhưng đằng sau cơ ngơi làm ăn đó, là việc ông Danh đã biết cách buôn bán lòng vòng để trốn thuế.
Nghiêm trọng hơn, lợi dụng pháp nhân và số vốn “ảo”, ông Danh đã huy động vốn, vay nợ, mua hàng chậm trả để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và công dân. Việc làm ăn bất chính đã bị Công an phát hiện, đến ngày 13-6-1991, Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi đã ra cáo trạng truy tố ông Danh 2 tội: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN” và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”.
Theo đó, tại bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Danh 6 năm tù giam, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình thụ án tại Trại giam Quảng Ngãi, do lao động cải tạo chấp hành nội quy tốt, Trại giam Quảng Ngãi đã đề nghị tha tù trước thời hạn cho ông Danh. Đến ngày 10-3-1997, ông Danh được trả tự do theo Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù số 11/GCN của Trại giam Quảng Ngãi do Giám thị Lê Văn Lai đã ký.
Theo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16-7-2009 của Chính phủ ban hành về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại, Điều 19 – “Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ” quy định tại điểm 1, mục c và điểm 2, mục a đối với những người đã từng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu; người đã từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên; không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc của ngân hàng.
Như vậy, nếu cơ quan chức năng thực hiện đúng qui trình bổ nhiệm theo qui định của Nghị định nêu trên, thì Phạm Công Danh sẽ không nắm giữ quyền lực cao nhất tại VNCB, và biết đâu, sẽ không có một vụ đại án kinh tế, với số thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho VNCB.
Theo cand.com.vn