Thành lập công ty lữ hành nội địa

Điều kiện và thủ tục xin giấy phép kinh doanh Lữ Hành Nội Địa

Kinh doanh du lịch lữ hành nội địa là ngành nghề có điều kiện. Vậy điều kiện, giấy tờ, các bước thành lập hay nghĩa vụ để kinh doanh tour trong nước là gì? Qua bài viết này, Luật Thái Hà sẽ cung cấp cho bạn thông tin đầy đủ và chính xác nhất.

KHÁI NIỆM VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY DU LỊCH LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

Lữ hành nội địa là hình thức doanh nghiệp thực hiện các hoạt động du lịch trong nước, phục vụ khách du lịch nội địa.

Dịch vụ lữ hành nói chung hay lữ hành nội địa nói riêng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Công ty du lịch lữ hành, tổ chức tour nội địa chỉ được phép hoạt động phạm vi trong nước, không được phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Đối tượng phục vụ của lữ hành nội địa là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam và đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.

Lữ hành nội địa không được cung cấp dịch vụ du lịch cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài và vào Việt Nam du lịch (Đây là đối tượng phục vụ của lữ hành quốc tế, theo Điều 30 Luật Du lịch 2017).

ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY CUNG CẤP DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

Để thành lập công ty lữ hành nội địa, bạn cần thỏa những điều kiện về người đăng ký thành lập và giới hạn vốn.

1. Điều kiện về người đăng ký thành lập doanh nghiệp

Người điều hành, quản lý doanh nghiệp du lịch lữ hành nội địa phải có ít nhất 3 năm hoạt động trong lĩnh vực này.

Phải tốt nghiệp chuyên ngành lữ hành tối thiểu bậc trung cấp. Theo đó các chuyên ngành về lữ hành bao gồm:

  • Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
  • Quản trị lữ hành;
  • Điều hành tour du lịch;
  • Marketing du lịch;
  • Du lịch;
  • Du lịch lữ hành;
  • Quản lý và kinh doanh du lịch;
  • Quản trị du lịch MICE;
  • Đại lý lữ hành;
  • Hướng dẫn du lịch;
  • Các ngành nghề, chuyên ngành bao gồm cụm từ sau: Du lịch, lữ hành, hướng dẫn du lịch do các cơ sở giáo dục tại Việt Nam đào tạo và cấp bằng;
  • Các ngành nghề, chuyên ngành bao gồm cụm từ sau: Du lịch, lữ hành, hướng dẫn du lịch do các cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và cấp bằng.

Nếu tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa bao gồm các nội dung đào tạo được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Du lịch 2017.

2. Điều kiện về vốn

Vốn điều lệ: Không có quy định cụ thể về vốn điều lệ trong ngành dịch vụ lữ hành nội địa. Tuy nhiên, vốn điều lệ càng cao thì sự uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng càng cao.

Vốn ký quỹ: Từ 01/01/2018 theo Luật Du lịch 2017, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa là 100.000.000 đồng.

Lưu ý:

Đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, không được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

THỦ TỤC VÀ QUY TRÌNH XIN GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

Để thành lập công ty du lịch lữ hành nội địa, bạn thực hiện như sau:

Bước 1: Xin giấy phép kinh doanh, bao gồm các hồ sơ:

  • Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông sáng lập;
  • Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu người đại diện theo pháp luật;
  • Giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ không phải là chủ doanh nghiệp).

Hồ sơ nộp tại: Sở KH&ĐT nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời gian trả kết quả: Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

Bước 2: Xin giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa (giấy phép con), bao gồm các hồ sơ:

  • Đơn xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa;
  • Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Giấy chứng nhận ký quỹ tại ngân hàng doanh nghiệp đăng ký tài khoản;
  • Bản sao công chứng quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
  • Bản sao công chứng bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc các văn bằng, chứng chỉ liên quan đến chuyên ngành lữ hành của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Hồ sơ nộp tại: Tổng cục du lịch.

Thời hạn trả kết quả: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ KHI ĐĂNG KÝ KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

Đối với khách tham gia tour du lịch:

  1. Chịu trách nhiệm quản lý khách tham gia tour du lịch theo chương trình đã thỏa thuận;
  2. Chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, sức khỏe và tài sản của khách du lịch;
  3. Phổ biến và hướng dẫn cho khách du lịch các quy định của địa điểm du lịch; phải tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của địa điểm du lịch;
  4. Phải mua bảo hiểm cho khách tham gia tour trong thời gian thực hiện chương trình;
  5. Cung cấp chi tiết thông tin về dịch vụ, địa điểm tham quan cho khách du lịch;
  6. Phải có hướng dẫn viên hướng dẫn khách tham gia tour và chịu trách nhiệm về các hoạt động của hướng dẫn viên trong suốt chương trình du lịch.

Đối với các cơ quan chức năng:

  1. Chỉ được quảng cáo, bán và tổ chức chương trình du lịch theo đúng phạm vi hoạt động mà doanh nghiệp đăng ký trong giấy phép;
  2. Chủ động thông báo cho cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền về các rủi ro, tai nạn;
  3. Chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước xử lý các trường hợp khách du lịch vi phạm pháp luật trong thời gian tham gia chương trình du lịch;
  4. Thực hiện đúng và đủ các chế độ về báo cáo kế toán, thuế và lưu trữ hồ sơ theo quy định pháp luật;
  5. Công khai thông tin doanh nghiệp tại tất cả các trụ sở, văn phòng, các văn bản hợp đồng và các ấn phẩm truyền thông, quảng cáo (kể cả trong giao dịch điện tử);
  6. Đảm bảo thực hiện đúng các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định pháp luật;
  7. Phải thông báo ngay cho Sở du lịch nếu có thay đổi về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.