Trong xu thế chung của nền kinh tế thế giới, trong thời gian qua, hoạt động M&A tại Việt Nam đã diễn ra vô cùng sôi động trong các ngành công nghiệp bán lẻ, thực phẩm, đồ uống, giải trí, dịch vụ tài chính với các thương vụ đình đám như: Tập đoàn Masan bán 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Masan Brewery cho Singha Asean Holdings (Thái Lan), với tổng trị giá giao dịch lên tới 1,1 tỷ USD, Kinh Đô mua lại Tribeco (mua từ từ trên thị trường niêm yết); Holcim mua lại Cotec Cement,.. Từ sự bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua đã cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của phương thức này đối với các Nhà đầu tư, bởi với với một thương vụ M&A thành công có thể giúp doanh nghiệp có thể “lột xác”, tăng trường gấp hàng trăm lần so với trước đó.
1. M&A là gì?
M&A được viết tắt bởi hai từ Tiếng Anh là Mergers (sáp nhập) và Aquisitions (mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều thương vụ M&A đình đám như: Bank of America mua lại Merrill Lynch với giá 50 tỷ USD; Wells-Fargo mua lại ngân hàng Wachovia với giá trị 15,1 tỷ đô la Mỹ; hay thương vụ M&A giữa Volkswagen – Porsche,..
2. Mục đích của M&A là gì?
Mục đích của M&A là giành quyền kiểm soát doanh nghiệp ở mức độ nhất định chứ không đơn thuần chỉ là sở hữu một phần vốn góp hay cổ phần của doanh nghiệp như các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Vì vậy, khi một nhà đầu tư đạt được mức sở hữu phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đủ để tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì khi đó mới có thể coi đây là hoạt động M&A. Ngược lại, khi nhà đầu tư sở hữu phần vốn góp, cổ phần không đủ để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì đây chỉ được coi là hoạt động đầu tư thông thường.
3. Các hình thức của M&A
Cùng một tiêu chí mua bán và sáp nhập doanh nghiệp nhưng M&A được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như: Góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp; Mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần; Sáp nhập doanh nghiệp; Hợp nhất doanh nghiệp và chia; Tách doanh nghiệp.
4. Vai trò của hoạt động M&A đối với doanh nghiệp
M&A đưa lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên tham gia. Nó không chỉ giúp các doanh nghiệp lớn giảm chi phí đầu tư, giúp các doanh nghiệp yếu kém thoát khỏi nguy cơ phá sản mà còn giúp doanh nghiệp mới tạo ra sau M&A có đầy đủ các tiềm lực và thuận lợi để phát triển lớn mạnh và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thương trường.
Đối với các doanh nghiệp, M&A góp phần cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp. Sau M&A, doanh nghiệp sẽ được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính. M&A còn giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh doanh dựa vào quy mô khi doanh nghiệp có thể thâm nhập được vào thị trường mới, có thêm một dây chuyền sản phẩm mới hay mở rộng phạm vi phân phối, mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, các dự án… Hơn nữa, quy mô lớn cũng giúp giảm thiểu chi phí trong kinh doanh như giảm thiểu sự trùng lặp trong mạng lưới phân phối, tiết kiệm chi phí hoạt động và chi phí quản lý… Sau khi thực hiện M&A, hai bên có thể khai thác được những lợi thế lẫn nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, khả năng bán chéo sản phẩm, dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Đối với các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, bị suy thoái hoặc lợi thế cạnh tranh bị giảm sút, thiếu sự thích nghi đối với môi trường kinh doanh mới… thì M&A là lời giải giúp họ tránh thua lỗ triền miên.
Đối với các nhà đầu tư, M&A là một cách thức hiệu quả để họ bước vào thị trường một cách nhanh chóng mà không cần mất thời gian để tìm kiếm một dự án hay làm các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó M&A, cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí “bôi trơn” khi thành lập một doanh nghiệp mới, tạo ra một thị trường mới và các chi phí phát sinh khác.
Đối với các công ty mới tạo, M&A là cách để các doanh nghiệp bổ sung khiếm khuyết và cộng hưởng sức mạnh với nhau, tạo thành sức mạnh gấp nhiều lần. Doanh nghiệp có thể giảm chi phí bằng cách cắt bớt nhân viên thừa, yếu kém, nâng cao năng suất lao động. Hoặc thông qua việc chuyển giao và bổ sung công nghệ cho nhau, năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ được tăng lên. Với quy mô lớn, doanh nghiệp mới cũng sẽ có một vị thế thuận lợi khi đàm phán với đối tác, mở rộng các kênh marketing, hệ thống phân phối cũng như tăng vị thế trong mắt cộng đồng.
Trên đây là những tư vấn của Luật Việt Phú về vai trò của hoạt động M&A đối với doanh nghiệp. Quý khách hàng còn điều gì vướng mắc hãy liện hệ với bộ phận chuyên trách của chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ