Các điều kiện kinh doanh cấp thông tư là trái luật

(TBKTSG Online) – Tất cả các điều kiện kinh doanh ban hành trong các thông tư của các bộ ngành là “vi phạm pháp luật”, theo các luật sư tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 14-6.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định tại Khoản 5, Điều 7: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.”

Theo ghi nhận của luật sư, đến nay có khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh cấp từ thông tư trở xuống được ban hành trong suốt nhiều năm qua.

“Hiển nhiên là hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư hiện đang tồn tại là trái luật”, ông Đức nói.

Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải bổ sung thêm, điều kiện kinh doanh cấp thông tư trái luật như vậy mà được nâng cấp lên nghị định từ ngày 1-7 tới cho phù hợp với luật Đầu tư là “hợp thức hóa cái sai trái”.

Ông Hải nói: “Tôi khẳng định, nếu muốn tôn trọng luật thì phải bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh trong các thông tư”. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, những điều kiện kinh doanh đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội thì các bộ phải họp, và trình Chính phủ quyết định.

Ông Hải đẩy vấn đề đến giới hạn: “Những ai đưa điều kiện kinh doanh vào các thông tư là phạm tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.

luat su sai gon nhap khau o to

Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc công ty Thương mại Ky Lin, một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nói như khóc rằng Thông tư 20 năm 2011 của Bộ Công Thương đã “giết chết” nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Thông tư này đưa ra điều kiện kinh doanh rằng, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng mới được nhập khẩu ô tô.

Ông Hùng nói: “Năm 2011 cả nước có 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Sau 5 năm giờ chỉ còn lại 20 doanh nghiệp và chỉ sống bằng buôn bán ô tô cũ. Trước đây chúng tôi có doanh nghiệp lớn, nay thì chỉ còn nhỏ và siêu nhỏ”.

Chính phủ cho phép các bộ, ngành áp dụng quy trình rút gọn để đảm bảo các nghị định về điều kiện kinh doanh hoàn tất trước ngày 1-7 để kịp ban hành. Nhưng đây là lý do làm cộng đồng doanh nghiệp vô cùng bất an.

Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, nói: “Chúng tôi tìm hết hơi cũng không đủ các dự thảo nghị định này vì theo quy trình rút gọn, các bộ, ngành không cần phải xin ý kiến doanh nghiệp.”

Theo ông Tuấn, cách các bộ, ngành xây dựng nghị định về điều kiện kinh doanh rút gọn như vậy là vi phạm 8 điều: không đăng dự thảo trên mạng; không lấy ý kiến doanh nghiệp; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không thuyết minh; và không bản giải trình ý kiến.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh thuộc VCCI nói: Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện kinh doanh nhất thế giới. Mà càng nhiều điều kiện kinh doanh, thì doanh nghiệp càng nhỏ lại”.

CÔNG TY LUẬT SÀI GÒN HƯNG NGUYÊN