Tìm kiếm luật sư uy tín, luật sư giỏi là một nhu cầu thiết yếu và chính đáng của người dân. Chúng tôi giới thiệu nội dung bài báo phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Nguyên giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở An Giang vừa qua khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa. Nguyên nhân hàng đầu được đặt ra đó là do tài xế xe bồn đã bấm còi inh ỏi khiến nạn nhân giật mình. Thực tế đã có không ít tai nạn xảy ra chỉ vì chiêc còi xe. Dù luật đã quy định về sử phạt đối với việc bấm còi quá to, nhưng việc thực thi luật vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) chết người nhưng có lẽ, đau lòng nhất vẫn là những vụ TNGT mà nạn nhân bị luống cuống, giật mình ngã vào các phương tiện lưu thông trên đường và mất mạng. Đó là tiếng còi hơi bất thình lình, bấm vô tội vạ khi lưu thông trên các tuyến đường đông người đi lại…
Ngày 25/10, người thân của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang) và chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (27 tuổi) tưởng như được vui mừng đón đứa con thứ hai của anh chị, nhưng hiện họ lại rơi và trạng thái hoảng loạn, buồn đau, vì chia nhau lo cho ba người thân của mình. Sau TNGT kinh hoàng trên đường đưa vợ đi sinh trưa 25/10, anh Nam phải nằm viện Long Xuyên với 1/3 chân phải giập nát. Bé trai sơ sinh vừa văng ra khỏi bụng chị Ngọc lúc xảy ra tai nạn đang nằm tại bệnh viện TP.HCM trong tình trạng hôn mệ sâu. Còn chị Ngọc đang được gia đình lo hậu sự ở quê nhà huyện Thoại Sơn, An Giang.
Theo lời người nhà anh Nam, nhiều nhân chứng ở hiện trường vụ tai nạn kể lại rằng, khi chiếc xe máy của anh Nam chạy đến khu vực cầu Rạch Gòi thì gặp phải đoạn đường bị rào chắn, thu hẹp vì đang thi công.
Lúc này từ phía sau cùng chiều, chiếc xe bồn trộn bê tông nhấn còi inh ỏi muốn vượt qua. Nghe tiếng còi có thể anh Nam giật mình, loạng choạng tay lái nên xảy ra va chạm với xe tải từ sau lao lên khiến chiếc té ngã và hai vợ chồng gặp tai nạn. Hiện, vụ việc vẫn đang được các cơ quan tiếp tục điều tra nhưng nó cũng là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng bóp còi xe inh ỏi đang rất nhức nhối hiện nay. Thực tế, đã không ít tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì tiếng còi xe.
Chuyện người dân đang lưu thông trên đường giật mình, hốt hoảng vì tiếng còi xe loạng choạng tay lái dẫn đến tai nạn xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường xe cộ lưu thông dày đặc. Nhất là vào những giờ cao điểm, tiếng còi xe inh ỏi được các tài xế bấm một cách vô tội vạ gây mất an toàn giao thông cho người đi đường. Nhiều loại còi “khủng”như còi hơi, còi ngân, còi ưu tiên… với âm lượng kêu gấp nhiều lần còi thông dụng thông thường được các cánh tài xế yêu thích thay thế để tạo uy trên đường phố. Dù đã có luật quy định nhưng đến nay người ta vẫn chưa thấy ai bị xử phạt vì tội bấm còi quá to, cũng chưa thấy một đơn vị nào kiểm tra mức độ cao – thấp của tiếng còi. Phải chăng đó là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc?
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “ Trong các trường hợp tai nạn giao thông như vậy cần phải xem xét loại còi xe đó có được sử dụng hay không và trên đoạn đường đó có bị cấm bấm còi hay không. Vì pháp luật không thể ngẫu nhiên cấm dùng một số loại còi ở một số khu vực nhất định. Mà việc bóp còi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn cho người khác thì hành vi đó đã vi phạm luật Giao thông đường bộ, thậm chí nếu có nhân chứng tại hiện trường xác nhận thì có thể khởi tố hình sự”.
Cũng theo luật sư Nguyên, Nghị định 171/2013/ND-CP có quy định rất rõ ràng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải có còi và âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật. Hành vi lắp đặt còi quá to, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định, bấm còi, rú ga liên tục, gây ồn ào ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và người tham gia giao thông đều bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 3 triệu đồng.
“ Mặc dù đã có luật quy định đầy đủ, chi tiết với hình thức xử phạt cũng khá nghiêm khắc, tuy nhiên chúng ta vẫn rất khó khăn khi phát hiện và xử phạt các hành vi tự ý lắp đặt còi có âm lượng không đúng quy định, hay bóp còi quá to trái quy định. Hơn thế, việc xử phạt cũng chưa làm triệt để, và dẫn đến những tai nạn đau lòng. Điều đáng nói nhất là ý thức chấp hành quy định giao thông của các chủ phương tiện, chỉ biết nghĩ đến bản thân, tìm mọi cách để vượt qua mà không biết việc làm đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người khác như thế nào.
Do đó, trước hết giới tài xế phải có ý thức chấp hành trước, đồng thời các cơ quan thực thi pháp luật phải tiến hành kiểm tra, xử phạt triệt để”, luật sư Nguyên bày tỏ.
CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TẠI SÀI GÒN