Làm rõ hơn đối tượng bị khởi kiện hành chính
Luật TTHC 2015 đã làm rõ hơn đối tượng bị khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Quyết định hành chính bị kiện phải là quyết định hành chính làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật bị kiện phải là làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị kiện là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức thuộc quyền quản lý của mình.
Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; đó là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.
Về người đại diện của người bị kiện trong tố tụng hành chính: Khắc phục tình trạng người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thường ủy quyền cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị là người đại diện tham gia tố tụng trong khi họ không nắm rõ hoặc không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện; Luật đã bổ sung quy định: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật.
Đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
Về nguyên tắc đối thoại, Luật TTHC 2015 quy định: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các Điều 135, 198 và 246 của luật này.
Việc đối thoại phải được tiến hành theo các nguyên tắc: Bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự; Không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ; Nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Luật TTHC 2015 đã bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và nâng cao vai trò của luật sư, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho đương sự được ghi nhận tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 như: Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này.
Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Luật này. Ghi nhận này đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vai trò của luật sư, giúp cho luật sư phát huy được hết khả năng của mình và được tạo thuận lợi cho quá trình làm việc, giải quyết vụ án. Đặc biệt tại phiên tranh tụng, chủ tọa phiên tòa không hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến có liên quan. Đặc biệt, Luật có những quy định rõ ràng về quyền và lợi ích hợp pháp của người bảo vệ trong việc trình bày ý kiến của đương sự mà họ bảo vệ…
Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của Luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định (Điều 18).
Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính
Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính được quy định rõ trong luật TTHC và được xử lý như là: Vi phạm nội quy phiên tòa; xúc phạm uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án; Cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án; cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; can thiệp vào việc giải quyết vụ án. Cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án; cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án. Đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án; cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật TTHC 2015 cũng bổ sung và hoàn thiện quy định về thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài. Theo đó các vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài gồm: Có đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; có đương sự là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính đó xảy ra ở nước ngoài; có liên quan đến tài sản ở nước ngoài.
Trình tự thủ tục thụ lý giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được quy định riêng tại Chương XVIII của Luật này. Có một số thay đổi về thời hạn như là thời hạn mở phiên họp chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý, ngày mở lại phiên họp chậm nhất là 30 ngày. Phiên tòa phải được mở chậm nhất là 8 tháng kể từ ngày ra thông báo thụ lý, ngày mở lại được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất 1 tháng.