Thanh lý tài sản; tài sản của doanh nghiệp dùng để phân chia; thứ tự phân chia tài sản; đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Câu hỏi: Kính chào luật sư Công ty luật Thái Hà, tôi hiện đang là đại diện theo pháp luật của một công ty. Hiện nay, công ty chúng tôi làm ăn thua lỗ và quyết định phá sản. Vậy tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi về thanh lý tài sản cũng như thứ tự phân chia tài sản của công ty chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn luật sư!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty luật Thái Hà. Để giải đáp thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn luật như sau:
- Căn cứ áp dụng thủ tục thanh lý tài sản
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành và phân công chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định phân công, chấp hành viên có văn bản yêu cầu quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản.
- Tài sản của doanh nghiệp dùng để phân chia
Việc thanh lý tài sản dựa trên giá trị tài sản của doanh nghiệp đã được kiểm kê và xác định sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản (Điều 64 Luật Phá sản 2014), gồm:
+ Tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp có tại thời điểm Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản.
+ Các khoản lợi nhuận, các tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp sẽ có việc thực hiện các giao dịch được xác lập trước khi Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản.
+ Tài sản và quyền tài sản có được sau ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản.
+ Tài sản là vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp. Trường hợp thanh toán tài sản là vật bảo đảm được trả cho các chủ nợ có bảo đảm, nếu giá trị của vật bảo đảm vượt quá khoản nợ có bảo đảm phải thanh toán thì phần vượt quá đó là tài sản của doanh nghiệp.
+ Giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Tài sản thu hồi từ hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp.
+ Tài sản và quyền tài sản có được do các giao dịch vô hiệu.
+ Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài các tài sản nêu trên, tài sản của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh còn bao gồm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đó được chia theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Những tài sản không được coi là tài sản của doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát: tài sản ủy thác của khách hàng trong nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán, tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí, quỹ hưu trí tự nguyện, bổ sung; tài sản nhận gửi giữ hộ của khách hàng. Tài sản không chia theo quy định của pháp luật về hợp tác xã cũng không được coi là tài sản của hợp tác xã.
- Thứ tự phân chia tài sản
Các khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó; nếu giá trị tài sản có bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp; nếu giá trị của tài sản có bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần trách chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì việc phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp theo thứ tự sau đây:
+ Chi phí phá sản;
+ Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiêm y tế đối với người lao động, các quyền lượi khác theo hợp đồng lao động và thảo ước lao động tập thể đã ký kết;
+ Các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Các nghĩa vụ tài chính đồi với Nhà nước; các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ và các khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản có bảo đảm không đủ thanh toán số nợ.
Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản theo quy định mà vẫn còn thì phần còn lại thuộc về :
+ Thành viên hợp tác xã thành viên (đối với hợp tác xã);
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân;
+ Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
+ Các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, các cổ đông của công ty cổ phần;
+ Thành viên cả công ty hợp danh.
- Đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải quyết định đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản trong trường hợp sau:
+ Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không có tài sản để thanh lý, phân chia.
+ Hoàn thành việc phân chia tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự báo cáo Tòa án nhân dân đã giải quyết phá sản và thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề thanh lý tài sản, thứ tự phân chia tài sản.
***
Nếu còn điều gì băn khoăn, Bạn hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!