Tranh chấp hợp đồng
- Khái niệm
Trong hoạt động kinh doanh, tranh chấp xảy ra là ngoài sự mong muốn của các chủ thể khi tham gia quan hệ hợp đồng. Song, tranh chấp trong kinh doanh là vấn đề tự nhiên và tất yếu của bất kỳ nền kinh tế nào, vấn đề là biết nhận diện, tiên liệu rủi ro và ngăn ngừa tranh chấp.
Không có văn bản pháp luật nào định nghĩa “tranh chấp hợp đồng” là gì. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ khoa học pháp lý thì tranh chấp hợp đồng được hiểu là những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng phải hội đủ các yếu tố sau:
- Có quan hệ hợp đồng tồn tại giữa các bên;
- Có sự vi phạm nghĩa vụ (hoặc cho rằng là vi phạm nghĩa vụ) của một bên trong quan hệ đó;
- Có sự bất đồng ý kiến của các bên về sự vi phạm hoặc xử lý hậu quả phát sinh từ sự vi phạm;
- Tranh chấp hợp đồng thường hình thành từ sự vi phạm hợp đồng nhưng không phải sự vi phạm nào cũng dẫn đến tranh chấp hợp đồng.
Việc phân loại tranh chấp hợp đồng hiện nay có ý nghĩa trong việc lựa chọn, phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Có hai loại:
- Tranh chấp hợp đồng dân sự và tranh chấp hợp đồng kinh doanh – thương mại.
- Tranh chấp hợp đồng dân sự thuần túy thuộc thẩm quyền của Tòa án (dân sự), tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại các bên có quyền lựa chọn giải quyết bằng Trọng tài hoặc Tòa án (Kinh tế).
- Tranh chấp hợp đồng có những đặc điểm sau:
- Các bên là chủ thể có quyền cao nhất có quyền định đoạt việc giải quyết tranh chấp (Trừ những quan hệ hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước);
- Tranh chấp hợp đồng luôn gắn với lợi ích của các bên tranh chấp;
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng là tự nguyện, bình đẳng và thỏa thuận. Việc lựa chọn phương thức nào để giải quyết tranh chấp hoàn toàn do các bên bình đẳng thỏa thuận.
- Giải quyết tranh chấp hợp đồng
Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa các bên có thể thông qua phương thức Thương lượng, Hòa giải hoặc thông qua các tổ chức tài phán.
- Thương lượng: Là hình thức giải quyết tranh chấp không cần có sự can thiệp của bên thứ ba. Luật sư có thể tham gia với vai trò tư vấn cho các bên về chiến lược, mục tiêu, lợi thế và yếu thế trong thương lượng để từ đó các bên có thể tự gặp gỡ và thỏa thuận, trao đổi giải quyết các vấn đề bất đồng.
- Hòa giải: Là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột một cách ổn thỏa. Điểm khác cơ bản giữa thương lượng và hòa giải là trong hòa giải có sự tham gia của bên thứ ba. Người thứ ba là người trung gian đứng ra dàn xếp việc giải quyết xung đột giữa các bên.
- Tổ chức tài phán:
– Trọng tài: Là phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại, được tiến hành bởi một hội đồng trọng tài. Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm;
– Tòa án: Là cơ quan tư pháp của nhà nước có chức năng xét xử. Phán quyết của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị.