Có nên theo nghề “Luật sư tranh tụng” hay không?

Luật sư hiện là một nghề đang rất hot trong xã hội hiện nay. Khi mà kinh tế phát triển, xã hội vận động không ngừng, khiến cho các quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, những vướng mắc pháp lý cũng từ đó mà phát sinh nhiều hơi. Chính vì vậy nghề Luật sư đang có rất nhiều cơ hội được trọng dụng trong giai đoạn này. Bỏ qua giai đoạn “nằm gai nếm mật” để trở thành một Luật sư. Mình xin đi vào vấn đề, với một câu hỏi được đặt ra cho rất nhiều bạn sinh viên Luật, và các bạn Cử nhân Luật mới ra trường. Đó là “CÓ NÊN THEO NGHỀ LUẬT SƯ ĐI LÀM TRANH TỤNG HAY KHÔNG?”

Trước hết mình xin khẳng định, toàn bộ nội dung bài viết này của mình hoàn toàn là quan điểm cá nhân dựa trên những thực tế mình trải nghiệm, có thể đúng, có thể sai, có thể hợp lý, có thể chưa hợp lý… nhưng trên tất cả thì đây là những trải nghiệm thực tế mình muốn chia sẻ của một người đã kinh qua cả công việc của một Luật sư tư vấn cũng như Luật sư tranh tụng, nếu có giá trị để các bạn tham khảo thì mình rất vui, còn nếu không thì các bạn có thể bỏ qua nhé.

“Luật sư tranh tụng”, nghe tên là biết đúng chất người đời vẫn hay gọi Luật sư rồi – Thầy cãi. Vâng đúng vậy các bạn ạ. Công việc của một Luật sư tranh tụng là vận dụng kiến thức pháp luật, kỹ năng tư duy, kỹ năng phản biện, hung biện… để đại bảo  vệ quyền và lợi ích hợp pháp của than chủ tại các phiên xét xử ở Tòa, cũng như ở các Trung tâm trọng tài thương mại. Vậy cụ thể một Luật sư tranh tụng phải làm những gì? Công việc có khó khăn gì? Có nên theo nghề này hay không? Mình xin trả lời từng câu hỏi như sau.

1. Công việc của một Luật sư tranh tụng không hề nhàm chán

Thông thường những Luật sư khi hành nghề họ thường đào chuyên sâu vào một mảng nhất định và lấy đó làm thế mạnh. Có Luật sư giỏi về án hình sự, có Luật sư giỏi về án dân sự, có Luật sư giỏi về bào chữa cho các tội danh liên quan đến “cố ý làm trái”… nói chung mỗi người có một điểm mạnh và họ khai thác triệt để. Tuy nhiên khi dấn than và công việc thực tế thì… đụng đâu làm đó, gặp gì làm nấy. Không phải cứ Luật sư làm án hình sự là từ chối án dân sự đâu nhé… Cho nên phạm vi công việc rất rộng.

Có nhiều người nghĩ rằng Luật sư tranh tụng là cứ nắm chắc các quy định, thủ tục tố tụng và cứ thế mà làm. Nào là tư vấn khách hàng, nghiên cứu bút lục hồ sơ, viết luận cứ bào chữa, viết đơn khởi kiện,… cứ thế cứ lặp đi lặp lạ là nhàm chán. Nhưng thực tế khi bạn đã dấn thân vào nghề thì nó không hề nhàm chán chút nào. Bởi vụ án A nó sẽ khác vụ án B, kiện A sẽ khác kiện B… không việc nghe có vẻ lặp đi lặp lại nhưng bản chất không hề giống nhau như việc một cô giáo hàng năm phải giảng lại bài giảng trước mình đã dạy.

Cũng có ý kiến cho rằng Luật sư tranh tụng chỉ cần nắm chắc các quy định tố tụng. Đây là quan niệm ngây ngô và hết sức sai lầm. Đương nhiên các quy trình, thủ tục Tố tụng các Luật sư tranh tụng sẽ nắm chắc hơn ai hết. Tuy nhiên để hoàn thành công việc có hiệu quả, thì các Luật sư phải nắm chắc luật nội dung, hiểu rõ bản chất của vấn đề từ đó mới có luận cứ bào chữa, mới có bài tranh luận xuất sắc.

2. Luật sư tranh tụng rất khó chủ động về mặt thời gian

Điều này không phải mình bào chữa cho các Luật sư tranh tụng về việc thường xuyên trễ hẹn khách hang, trễ hẹn với bạn bè, gia đình…

Nhưng bản chất nghề này là như vậy. Bởi một vụ án kéo dài bao lâu bạn không thể chủ động. Quá trình điều tra bao lâu bạn cũng không thể chủ động… Các bạn phải mất rất nhiều thời gian để đi đến những cơ quan liên quan. Đơn cử như bạn yêu cầu gặp bị cáo đang bị tạm giam khi lấy lời khai, và việc mà các Luật sư thường xuyên phải làm đó là… đợi. Thậm chí là đợi rất lâu, vào gặp thân chủ được một tiếng là bị… mời ra ngoài. Mình lấy ví dụ để nói rằng công việc của một Luật sư tranh tụng rất khó chủ động về thời gian, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ công việc. Vì lỡ làm việ này mà trễ hẹn với khách khác… hay vì làm việc này là lỡ hẹn với gia đình, bạn bè. Hay có khi đang ngồi với bạn bè, nhận điện thoại cũng phải cáo lỗi đứng dậy mà đi… Cho nên đòi hỏi một người Luật sư tranh tụng phải luôn luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”.

3. Khách hàng là thượng đế, và Luật sư tranh tụng đôi khi phải mặt dày

Dùng từ “mặt dày” là một cách nói vui. Ý mình muốn nói ở đây là khả năng kìm chế cảm xúc. Đặc biệt là khi đang ở trong phiên Tòa, khả năng kìm chế cảm xúc là một kỹ năng đặc biệt quan trọng. Thắng thế không tỏ ra chủ quan, khinh địch, lép vế không để đối phương thấy mình “nóng mặt”, sợ hãi hay cay cú. Phải rất bình tĩnh, trước sau như một, một vẻ mặt điềm tĩnh trong một phiên Tòa gây được rất nhiều áp lực, không chỉ là lên phía đối phương, mà phần nào đó tác động đến cả Hội đồng xét xử.

Và khả năng kìm chế cảm xúc này cũng phải được vận dụng khi tiếp khách hàng nữa. Đời có dăm bảy loại người, khách hang cũng vậy thôi. Và không phải khách hàng nào cũng dễ chịu, cũng lịch sự như mình mong muốn. Nhưng họ là khách hàng, mình phải biết làm hài lòng họ. Chớ giận quá mà hành động, cư xử khiếm nhã khi gặp những khách hàng “khó ở”. Bởi trong mắt xã hội, Luật sư là một người có hình ảnh hết sức nghiêm túc, lịch thiệp và các bạn nên giữ hình ảnh đó trong mắt mọi người.

4. Thu nhập từ công việc tranh tụng có cao không?

Câu trả lời là… tùy bạn cảm nhận. Trong thực tế khi đảm nhận những vụ án tranh chấp về đất đai, hay những tranh chấp kinh doanh thương mại… thì thỏa thuận về chi phí sẽ cao. Tuy nhiên nhiều trường hợp bạn chỉ được nhận phần phí của mình khi thắng kiện. Nếu bạn thua thì mọi thứ về với con số không tròn trĩnh.

5. Kỹ năng “mềm” hết sức quan trọng

Nói ra điều này có thể sẽ khiến nhiều bạn thất vọng. Nhưng các bạn cần hiểu rằng, làm việc gì, làm ở đâu thì mỗi người điều phải biết mềm đúng lúc, rắn đúng chỗ. Làm nghề tranh tụng đòi hỏi bạn phải đi nhiều, thường xuyên làm việc với Thẩm phán, Thư ký tòa, thường xuyên làm việc với cơ quan điều tra.. chính vì vậy nếu các bạn có mối quan hệ tốt, biết cách tạo lập các mối quan hệ này thì thật sự là sau này các bạn rất thuận lợi trong công việc. Để làm được điều đó các bạn phải có kỹ năng giao tiếp tốt, biết khôn khéo, mềm mỏng trong công việc. Và đôi khi cũng phải… phạm luật một tí các bạn ạ.

6. Làm luật sư tranh tung nên biết… nhậu.

Phải thừa nhận rằng việc ăn nhậu, bia rượu chẳng tốt gì cho sức khỏe cả. Tuy nhiên sống trong môi trường làm việc nào bạn phải hòa nhập vào môi trường đó, nếu không muốn hòa nhập thì bạn phải đủ khả năng và bản lĩnh thay đổi nó cơ. Mà thay đổi thì khó, hòa nhập thì dễ nên đa số chọn con đường “hòa nhập” các bạn ạ. Đó là văn hóa nhậu. Xong một việc là đi nhậu, tiếp khách hàng là đi nhậu, tiếp Thẩm phán là đi nhậu… các bạn không uống được nhiều thì cũng phải uống được ít. Nếu có chút “tửu lượng” trong người thì đó là một lợi thế đấy.

Từ những kinh nghiệm thực tế mình trải qua và chia sẻ ở trên, hy vọng rằng sẽ giúp các bạn sinh viên luật, cử nhân mới ra trường tham khảo được chút nào đó. Chúc các bạn lựa chọn đúng con đường đi của mình. Bài viết sau mình sẽ nói về công việ của một Luật sư tư vấn để các bạn tham khảo.