Kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do người khác nắm giữ

(PLVN) –  Bạn đọc Trần Khánh Linh (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) hỏi: Tôi vay bà H 3 triệu đồng theo hợp đồng vay ngày 05/7/2020 thời hạn vay là 3 tháng. Bà H yêu cầu tôi giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà Hương giữ để làm tin. Đến hạn, tôi đã trả số tiền trên cho bà Hương và yêu cầu bà Hương trả lại GCNQSDĐ nhưng bà H không đồng ý . Vậy, tôi có được Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu đòi GCNQSDĐ được không?

– Luật sư đất đai cho biết: Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 quy định giấy tờ có giá là: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc.

Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì: “GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Như vậy, GCNQSDĐ không phải là một giấy tờ có giá vì đây không phải là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ” mà đây là một chứng thư pháp lý để xác định quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất.

Tại mục 1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự hướng dẫn: “GCNQSDĐ là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”.

Điều 164 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Căn cứ theo các quy định trên, GCNQSDĐ không phải là giấy tờ có giá. Tuy nhiên, người dân có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại GCNQSDĐ, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất của bà và trong trường hợp này Tòa án nhân dân sẽ thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó tranh chấp về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.