Quy định mới về nội dung cơ bản của hợp đồng thương mại

Về mặt nội dung, hợp đồng thương mại thường được phân ra thành nhiều loại như hợp đồng mua bán, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng gia công, hợp đồng đầu tư… Vậy, nội dung cơ bản của hợp đồng thương mại là gì ? Bài viết phân tích cụ thể:

1. Khái niệm về hợp đồng thương mại

Hợp đồng thuơng mại là sự thỏa thuận giữa các thương nhân trong việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thương mại. Hợp đồng thương mại được điều chỉnh bởi Luật Thương Mại năm 2005 và Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Theo Điều 3.1 Luật Thương Mại 2005, hoạt động thương mại được định nghĩa là “hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Theo Điều 6 Luật Thương Mại 2005 định nghĩa thương nhân bao gồm các tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

Theo định nghĩa này, các cá nhân, tổ chức được xem là thương nhân sẽ bao gồm: các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh Nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân có đăng ký kinh doanh, v.v.

2. Những nguyên tắc cơ bản của hợp đồng thương mại

Luật Thương mại năm 2005 quy định sáu nguyên tắc cơ bản mà khi thực hiện các hoat động thương mại cũng như khi ký kết và thực hiện hợp đồng thương mại, các chủ thể của hợp đồng thương mại, các thương nhân, các doanh nghiệp phải tuân thủ. Sáu nguyên tắc đó là:

– Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại;

– Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại;

– Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên;

– Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại;

– Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng;

– Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại.

Những nguyên tắc này được quy định từ Điều 10 đến Điều 15 của Luật Thương mại năm 2005.

3. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại có các đặc điểm pháp lý cơ bản sau: Lĩnh vực phát sinh quan hệ hợp đồng là lĩnh vực thương mại, bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ; một bên chủ thể của hợp đồng phải là thương nhân. Trong nhiều quan hệ hợp đồng thương mại cả hai bên đều phải là thương nhân như hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng đại lí mua bán hàng hoá; mục đích của thương nhân khi tham gia quan hệ hợp đồng là nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình; hình thức của hợp đồng có thể bằng lời nói, hành vi hay văn bản. Đối với hợp đồng mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo quy định đó. Fax, telex, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản.

Hợp đồng thương mại là những hợp đồng riêng trong lĩnh vực thương mại: Khi thoả mãn các điều kiện về chủ thể, mục đích và hình thức hợp đồng thì hợp đồng thương mại mang tính chất của một hợp đồng kinh tế.

Ví dụ: Các hợp đồng trong hoạt động thương mại được xác lập bằng văn bản giữa các thương nhân, trong đó, ít nhất một bên là pháp nhân để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Nếu không thoả mãn các điều kiện đó, hợp đồng thương mại chỉ mang tính chất của một hợp đồng dân sự.

2.1 Về chủ thể:

Hợp đồng ương lĩnh vực thương mại chủ yếu được thiết lập giữa các chủ thể là thương nhân. Thương nhân bao gôm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp và cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, có đăng ký kinh doanh. Thương nhân là chủ thể của hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài (trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế). Ngoài chủ thể là thương nhân, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng trong lĩnh vực thương mại trong những trường hợp pháp luật quy định cụ thể.

Ví dụ, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá phải tuân theo Luật Thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật Thương mại hay ví dụ khác: Trong quan hệ ủy thác mua bán hàng hoá, bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân (Điều 157 Luật Thương mại năm 2005).

2.2. Về hình thức:

Hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có thể được thiết lập bằng hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp trong hoạt động thương mại và những yêu cầu chặt chẽ trong nội dung của hợp đồng mà pháp luật quy định nhiều hợp đồng thương mại cụ thể phải được ký kết dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản.

Ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hoá, hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt, hợp đồng nhượng quyền thương mại …

2.3. Về đối tượng hợp đồng:

Tương tự như đối tượng của hợp đồng dân sự, hợp đồng ương lĩnh vực thương mại có đối tượng là hàng hoá hoặc dịch vụ (công việc). Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thương mại có một số loại hợp đồng có đối tượng chưa được biết đến trong hợp đồng dân sự truyền thống, đó là các hợp đồng có tính chất tổ chức như hợp đồng thành lập công ty hay hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC), hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng PPP)… Đối tượng của các loại hợp đồng này không phải là hàng hoá hoặc dịch vụ mà là một hoạt động mang tính tổ chức để hình thành nên các doanh nghiệp hoặc để thực hiện hoạt động thương mại. Trên thực tế, đối tượng hợp đồng trong lĩnh vực thương mại thường có số lượng lớn và do đó, nhìn chung, giá trị của hợp đồng thương mại thường lớn hơn giá trị của hợp đồng dân sự. Điều này dẫn đến sự khác nhau trong nội dung của hợp đồng dân sự và nội dung của hợp đồng trong lìhh vực thương mại. Chẳng hạn, một người nào đó mua của thương nhân kinh doanh vật liệu xây dựng vài cân xi măng về sửa chữa nhỏ trong gia đình. Ở đây đối tượng hợp đồng rất nhỏ nên nội dung của hợp đồng này rất đơn giản, việc giao nhận và thanh toán được thực hiện theo kiểu “tiền trao, cháo múc”. Còn trường hợp một công ty xây lắp ký hợp đồng mua của một công ty xi măng 1000 tấn xi măng để xây dựng một công trình nào đó thì việc thỏa thuận cũng như thực hiện các điều khoản trong nội dung của hợp đồng phức tạp hơn nhiều từ việc xác định số lượng, chất của đối tượng cho đến giao nhận, thanh toán … Thậm chí, để thực hiện hợp đồng với đối tượng lớn như vậy, có thể làm phát sinh các hợp đồng mới như hợp đồng bốc xếp hàng hoá.

4. Quy định về nội dung của hợp đồng thương mại

Như Điều 3, khoản 1 của Luật Thương mại năm 2005 quy định, hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động sinh lợi khác, vì vậy, về mặt nội dung, hợp đồng thương mại thường được phân ra thành nhiều loại như hợp đồng mua bán, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng gia công, hợp đồng đầu tư… Trong hợp đồng mua bán lại phân ra thành hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và hợp đồng mũa bán trong nước, mà, so với hợp đồng mua bán trong nước, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Ngay cả đối với hợp đồng mua bán trong nước, người ta lại phân biệt hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường với hợp đồng mua bán thiết bị, công nghệ… Mỗi loại hợp đồng thương mại này sẽ có nội dung khác nhau đòi hỏi vỉệc đàm phán, ký kết và thực hiện cũng phải theo các quy định khác nhau. Song, đặc điểm chung của tất cả các loại hợp đồng này là chúng đều là hợp đồng thương mại và vì vậy, chúng đều mang tất cả đặc điểm của hợp đồng thương mại nói chung.

Khi nghiên cứu đặc điểm về mặt nội dung của hợp đồng thương mại, cần chú ý đến những quy định của pháp luật về các điều khoản làm thành nội dung của hợp đồng thương mại. Luật Thương mại năm 2005 không quy định về “điều khoản chủ yếu” của hợp đồng thương mại như Luật Thương mại năm 1997. Luật Thương mại năm 2005 cũng không đưa ra quy định vể những điều khoản làm thành nội dung của hợp đồng thương mại. Trong trường hợp này, cần nghiên cứu quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về điều này, Điều 398 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: “Tùy theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung, sau đây:

“1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”

Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho thấy tính không bắt buộc của pháp luật về các điều khoản làm thành nội dung của hợp đồng và sự để cao ý chí của tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên khi ký kết hợp đồng, kể cả đối với hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, đây là quy định đối với nội dung của hợp đồng nói chung, trong đó có hợp đồng hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng cung ứng dịch vụ, pháp luật cũng quy định về nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng (Ví dụ, đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết về nhượng quyền thương mại quy định rằng, hợp đồng này phải có sáu nội dung sau đây:

“1) Nội dung của quyền thương mại;

2)      Quyền, nghĩa vụ của bên nhượng quyền;

3)      Quyền, nghĩa vụ của bên nhận quyền;

4)      Giá cả, phí nhượng quyển định kỳ và phương thức thanh toán;

5)      Thời hạn hiệu lực của hợp đồng;

6)      Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.”

Với đặc thù của môn học và chuyên ngành học, và để thấy được những đặc. điểm nêu trên về nội dung của hợp đồng thương mại, nội dung của các loại hợp đồng thương mại là hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) bằng đường biển.

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và hợp đồng chuyên chở hàng hóa XNK bằng đường biển là hai loại hợp đồng quan trọng, gắn liền với hoạt động kinh tế đối ngoại.

5. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng thương mại được giao kết phải đảm bảo các nguyên tắc của hợp đồng theo quy định của pháp luật. Việc quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo sự thỏa thuận của các bên phù hợp với ý chí thực của họ, hướng đến những lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Theo quy định của Bộ luật dân sự việc giao kết hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc: tự do giao kết nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội, luật thương mại là luật riêng của luật dân sự cho nên cũng phải chịu sự điều chỉnh của những nguyên tắc trên.

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 có quy định thì một giao dịch có hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, bởi vì hành vi giao kết hợp đồng sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các bên. Do vậy để hợp đồng có hiệu lực pháp lý và có khả năng thực hiện, người giao kết hợp đồng phải có khả năng nhận thức hành vi giao kết hợp đồng cũng như hậu quả của việc giao kết hợp đồng. Đối với cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng phải đúng thẩm quyền. Nếu như người tham gia giao dịch không đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì hợp đồng sẽ không có hiệu lực và theo qui định của pháp luật sẽ bị tuyên bố vô hiệu.

Thứ hai, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Mục đích của hợp đồng là những lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi giao kết hợp đồng. Nội dung của hợp đồng bao gồm các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận, thống nhất. Để hợp đồng có hiệu lực và có khả năng thực hiện, pháp luật quy định mục đích, nội dung của hợp đồng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Thứ ba, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Việc quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo sự thỏa thuận của các bên phù hợp với ý chí thực của họ, hướng đến những lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Theo quy định của Bộ luật dân sự, việc giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng kinh doanh thương mại nói riêng phải tuân theo các nguyên tắc: tự do giao kết nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội: Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Những hành vi cưỡng ép, đe dọa, lừa dối để giao kết hợp đồng… là lý do dẫn đến hợp đồng bị coi là vô hiệu.

Thứ tư, nếu pháp luật có quy định về hình thức của hợp đồng thì phải tuân theo quy định này. Thông thường đó là quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc văn bản hợp đồng phải được công chứng, chứng thực.Trong trường hợp này, hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực, khi giao kết các bên phải tuân theo hình thức được pháp luật quy định. Để hợp đồng thương mại có hiệu lực, hợp đồng phải được xác lập theo những hình thức được pháp luật thừa nhận.