Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài thương mại

Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật ”.

Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định:“Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật ”.

Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài thương mại bao gồm:

1. Nộp đơn kiện và thụ lý đơn kiện

Để giải quyết vụ tranh chấp tại trung tâm trọng tài hoặc hội đồng trọng tài do các bên thành lập thì trước hết nguyên đơn phải làm đơn kiện gửi trung tâm trọng tài hoặc bị đơn. Kèm theo đơn kiện, nguyên đơn phải gửi bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài, bản chính bản sao các tài liệu chứng cứ, bản sao phải có chứng thực hợp lệ.

Trung tâm trọng tài bắt đầu khi trung tâm trọng tài nhận được đơn kiện của nguyên đơn hoặc từ khi bị đơn nhận được đơn kiện của nguyên đơn. Nếu giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài thì trong năm ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn kiện, trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn đơn kiện của nguyên đơn và những tài liệu chứng cứ kèm theo mà nguyên đơn đã gửi.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện và các tài liệu có liên quan, bị đơn có trách nhiệm gửi cho trung tâm trọng tài hoặc bị đơn bản tự bảo vệ. Quy định này một mặt đảm bảo quyền tự bảo vệ của bị đơn trước đơn kiện của nguyên đơn, đồng thời giúp cho các trọng tài viên thu nhập được những chứng cứ ban đầu cho việc giải quyết tranh chấp.Nguyên đơn phải nộp tạm ứng phí trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Trung tâm Trọng tài thụ lý và gửi cho bị đơn bản sao đơn kiện của nguyên đơn, tên Trọng tài viên của nguyên đơn chọn  và danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài. Để giải quyết vụ tranh chấp tại hội đồng trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn kiện gửi cho bị đơn, nội dung đơn kiện cũng giống như nội dung đơn kiện gửi trung tâm trọng tài. Điểm khác ở đây là trọng tài viên được nguyên đơn chọn có thể là trọng tài viên ngoài danh sách hoặc trong danh sách trọng tài viên của bất kì trung tâm trọng tài nào của Việt Nam.

2. Tự vệ của bị đơn       

Sau thời gian 30 ngày kể từ khi nhận được bản sao đơn kiện, Bị đơn phải gửi cho Trung tâm Trọng tài bản tự bảo vệ kèm theo các chứng cứ để bảo tự bảo vệ ; chọn trọng tài viên trong danh sách của TT Trọng tài; bị đơn có thể phản bác toàn bộ hoặc 1 phần nội dung kiện của nguyên đơn.Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn. Đơn kiện lại phải được gửi cho hội đồng trọng tài đồng thời gửi cho nguyên đơn trước ngày mở phiên họp của hội đồng trọng tài giải quyết đơn kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn phải có bản trả lời đơn kiện lại trong thời hạn 30 ngày, và được gửi cho bị đơn và hội đồng trọng tài.

3. Thành lập hội đồng trọng tài, lựa chọn trọng tài viên

Tranh chấp giữa các bên có thể được giải quyết tại hội đồng trọng tài do trung tâm trọng tài tổ chức hoặc tại hội đồng trọng tài do các bên thành lập. Hội đồng trọng tài gồm 3 trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất do các bên thỏa thuận. Hội đồng trọng tài có nhiệm vụ tiến hành thủ tục trọng tài và đưa ra phán quyết trọng tài. Thành lập hoặc chỉ định một hội đồng trọng tài là bước đầu tiên đặc trưng trong trọng tài thương mại. Tùy thuộc vào các quy tắc áp dụng, việc thành lập hội đồng trọng tài có thể do các bên hoặc do Tòa án quốc gia thực hiện.

4. Chuẩn bị giải quyết

Các Trọng tài viên phải nghiên cứu hồ sơ; xác minh, thu thập chứng cứ, tìm hiểu nội dung vụ việc. Hội đồng Trọng tài có quyền gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến.

5. Hòa giải.

Hòa giải là việc các bên tự thương lượng giải quyết tranh chấp với nhau mà không cần có quyết định của trọng tài. Có thể nói, hòa giải là một giải pháp quan trọng nhất, là một phương án tối ưu trong việc giải quyết tranh chấp thương mại.

Trong tố tụng trọng tài, hòa giải không phải là nguyên tắc, là thủ tục bắt buộc song hội đồng trọng tài vẫn phải tôn trọng việc tự hòa giải của các bên. Mặc dù đã có đơn yêu cầu trọng tài giải quyết, các bên vẫn có thể tự hòa giải. Nếu các bên tự hòa giải được với nhau thì theo yêu cầu của các bên, hội đồng trọng tài sẽ đình chỉ tố tụng.Trong trường hợp hòa giải thành thì các bên có thể yêu cầu hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận hòa giải thành. Biên bản hoà giải thành phải được các bên và các Trọng tài viên ký. Quyết định công nhận hoà giải thành của Hội đồng Trọng tài là chung thẩm và được thi hành.

6. Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp và quyết định trọng tài

Giấy triệu tập gửi cho các bên trước 30 ngày. Quyết định trọng tài của HĐTT được lập theo đa số, ý kiến thiểu số được ghi vào biên bản. Quyết định trọng tài có thể được công bố ngay tại phiên họp cuối cùng hoặc sau đó, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối. Quyết định trọng tài được gửi cho các bên ngay sau ngày công bố và có hiệu lực ngay

Về nguyên tắc, phiên họp giải quyết vụ tranh chấp không công khai vì trong phiên họp chỉ có nhà kinh doanh với các trọng tài viên, trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, hội đồng trọng tài mới có thể cho phép người khác tham dự phiên họp. Các bên có thể trực tiếp tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp hoặc có thể ủy quyền cho người khác. Các bên hoặc đại diện của các bên phải tham gia phiên họp giải quyết vụ tranh chấp nếu họ không yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết vắng mặt họ.

Nếu nguyên đơn đã được triệu tập tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà vắng mặt không có lí do chính đáng hoặc bỏ phiên họp mà không được hội đồng trọng tài đồng ý thì được coi là đã rút đơn kiện. Nếu bị đơn đã được triệu tập tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp vắng mặt không có lí do chính đáng hoặc bỏ phiên họp, không được hội đồng trọng tài đồng ý thì hội đồng trọng tài vẫn tiến hành giải quyết vụ tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.

Toàn bộ diễn biến của phiên họp giải quyết tranh chấp do hội đồng trọng tài lập biên bản. Biên bản phải có chữ kí của chủ tịch hội đồng trọng tài,các bên có quyền tìm hiểu nội dung biên bản, bổ sung biên bản.

Kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài phải đưa ra được quyết định trọng tài. Quyết định trọng tài là quyết định do hội đồng trọng tài ban hành nhằm giải quyết chung thẩm các vấn đề được đưa ra hội đồng trọng tài giải quyết. Quyết định trọng tài được giải quyết theo nguyên tắc đa số. Quyết định của hội đồng trọng tài phải có các nội dung sau: ngày tháng năm và địa điểm ra quyết định, tên trung tâm trọng tài, tên địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, họ tên các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất, tóm tắt đơn kiện và các vấn đề tranh chấp, cơ sở để ra quyết định trọng tài, quyết định về vụ tranh chấp….

Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến  0976 085 206