Đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một loại đàm phán trong đó có ít nhất hai bên chủ thể có trụ sở thương mại ở những nước khác nhau tham gia đàm phán để xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hoặc tài sản là đối tượng của hợp đồng ở nước ngoài đối với các bên hay sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ giao dịch ở nước ngoài đối với các bên.
Đặc điểm của đàm phán
Hoạt động đàm phán hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bên cạnh những đặc điểm chung như đàm phán các loại hợp đồng thông thường khác thì cũng có những đặc điểm riêng biệt, đó là:
– Các quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường chịu sự điều chỉnh của một hoặc một số điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương, hoặc quy định của hệ thống pháp luật một quốc gia nhất định với tư cách là khuôn khổ pháp lý.
– Đàm phán hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế luôn chịu sự chi phối, tác động của các quy luật kinh tế. Bên cạnh đó, nó còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi phương pháp và thủ thuật kinh doanh, đặc biệt là phương pháp marketing quốc tế và cạnh tranh.
– Đàm phán hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của nền kinh tế và thị trường quốc tế có tính chất thường xuyên, liên tục.
– Đàm phán hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị và ngoại giao do có yếu tố quốc tế và thường liên quan tới ít nhất hai quốc gia khác nhau.
Các yếu tố cơ bản của hoạt động đàm phán
– Bối cảnh đàm phán là tổng hợp các yếu tố khách quan có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động đàm phán và thường bao gồm các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị… Trong đó thời gian, địa điểm và ngôn ngữ đàm phán là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc đàm phán.
– Năng lực đàm phán là yếu tố thuộc về cá nhân người đàm phán nhưng có ảnh hưởng rất lớn và có tính chất quyết định tới tiến trình và kết quả đàm phán.
– Đối tượng của đàm phán là các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ và các hoạt động liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ… có tính chất quốc tế.
– Nội dung đàm phán là việc tiến hành các hoạt động bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất giữa các bên về các vấn đề chủ yếu của hợp đồng như đối tượng hợp đồng, số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, điều kiện giao – nhận hàng hóa, dịch vụ, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên.
– Mục đích đàm phán là những vấn đề liên quan đến lợi ích mà các bên hướng tới.
Các phương thức đàm phán
Thực tiễn thương mại quốc tế cho thấy có rất nhiều phương thức đàm phán khác nhau và các phương thức sau đây thường xuyên được các bên áp dụng:
– Đàm phán qua thư tín là phương thức đàm phán được sử dụng phổ biến trong hoạt động kinh doanh hiện đại vì những ưu điểm của nó như tiết kiệm chi phí, thời gian…
– Đàm phán qua điện thoại là một trong những phương thức đàm phán phổ biến hiện nay, nhất là trong thời đại phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật và công nghệ.
– Đàm phán trực tiếp thường được áp dụng khi liên quan đến các hợp đồng lớn, phức tạp, nhiều chủ thể tham gia, phạm vi đa dạng.
Các bước của quá trình đàm phán
Thực tiễn cho thấy quy trình đàm phán hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường diễn ra theo những bước sau:
– Xác định tình huống đàm phán là tìm hiểu và kiểm tra bối cảnh đàm phán và những vấn đề có liên quan, chú ý những khía cạnh chủ chốt tác động đến mối quan hệ đàm phán, thiết lập các mục tiêu chung cho quan hệ đàm phán, đó là lợi ích cụ thể mà các bên đều hướng tới.
– Lập kế hoạch đàm phán là công việc chuẩn bị trực tiếp cho việc đàm phán như tổ chức thu thập và xử lý thông tin, xây dựng kế hoạch, chương trình đàm phán, luyện tập việc thực hiện các chiến thuật đàm phán cụ thể…
– Tổ chức đàm phán là cuộc đối thoại giữa hai hay nhiều bên để bàn bạc và tiến tới thống nhất một số hoặc tất cả các vấn đề được nêu ra mà trước đó các bên chưa thống nhất được.
Ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Sau khi đã thống nhất các vấn đề cơ bản ở giai đoạn đàm phán, các bên tiến hành ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Khi ký kết, các bên cần tuân thủ các nguyên tắc ký kết, đó là bình đẳng, tự nguyện, thỏa thuận song phương, tuân thủ pháp luật và thông lệ quốc tế.
– Trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có thể áp dụng nhiều phương thức ký kết hợp đồng khác nhau như ký trực tiếp, ký gián tiếp, ký bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
+ Ký trực tiếp là việc các bên trực tiếp gặp gỡ, bàn bạc, thương lượng các nội dung (điều khoản) của hợp đồng và cùng nhau ký vào bản hợp đồng.
+ Ký gián tiếp là việc các bên ký kết hợp đồng thông qua các phương tiện thông tin như thư từ giao dịch, điện báo, telex, fax, điện tín, email… Trình tự đàm phán và ký kết hợp đồng theo phương thức gián tiếp gồm hai giai đoạn là chào hàng (Offer) và chấp nhận chào hàng (Acceptance): Chào hàng gồm các loại như chào hàng chủ động, chào hàng thụ động, chào hàng tự do (Free offer), chào hàng xác định (Firm offer); Chấp nhận chào hàng (Acceptance) phải đáp ứng các điều kiện do người được chào hàng gửi tới – mang tính vô điều kiện và được gửi trong thời hạn có hiệu lực của chào hàng.
– Tùy từng điều kiện cụ thể, việc ký hợp đồng có thể được tiến hành bằng một trong các hình thức sau: Hai bên ký vào hợp đồng mua – bán (văn bản thường được soạn thảo theo mẫu chung thống nhất); người mua xác nhận bằng văn bản là người mua đã đồng ý với các điều khoản của thư chào hàng tự do; người bán xác nhận bằng văn bản chấp nhận đơn đặt hàng của người mua, hai bên trao đổi bằng thư xác nhận về việc đã đạt được những điều khoản thỏa thuận trong đơn đặt hàng (trong đó nêu rõ những điều đã được thỏa thuận).
– Thời điểm ký kết hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng bởi thời điểm này quan hệ hợp đồng giữa các bên tham gia được xác lập và nếu hợp đồng mang tính chất ưng thuận thì sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý ràng buộc các bên với nhau.
– Địa điểm ký kết khi các bên ở các nước khác nhau có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là tiêu chí xác định luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Theo điều 18, 23 của Công ước Viên 1980, địa điểm ký kết hợp đồng là nơi được chấp nhận chào hàng.
SOURCE: PHONGCACHDOANHNHANONLINE.COM – LS. NGÔ VĂN HIỆP – Văn phòng luật sư Hiệp và Liên danh
Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế
Ngày 19 tháng 3 năm 2015 Hội nghị LaHay về tư pháp quốc tế đã thông qua Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế, đây sẽ là cơ sở để thống nhất phương thức lựa chọn luật áp dụng trong quá trình đàm phán hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Văn kiện này đưa ra các quy tắc chung về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế. Các quy tắc khẳng định nguyên tắc quyền tự định đoạt của các bên với những ngoại lệ hạn chế.
Các quy tắc có thể được sử dụng như một hình mẫu cho các văn kiện của quốc gia, khu vực, siêu quốc gia hoặc quốc tế.
Các quy tắc có thể được sử dụng để giải thích, bổ sung và phát triển các quy tắc của tư pháp quốc tế.
Các quy tắc có thể được tòa án hoặc hội đồng trọng tài áp dụng.
Phạm vi áp dụng của Các quy tắc
1. Các quy tắc áp dụng với lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế khi mỗi bên thực hiện hoạt động thương mại hoặc nghề nghiệp của mình. Chúng không áp dụng với hợp đồng tiêu dùng hoặc lao động.
2. Vì mục đích của Các quy tắc này, một hợp đồng là có tính chất quốc tế trừ khi mỗi bên có cơ sở kinh doanh tại cùng một quốc gia và mối liên hệ giữa các bên và tất cả các yếu tố liên quan, không kể pháp luật được lựa chọn, chỉ liên quan đến quốc gia đó.
3. Các quy tắc không áp dụng đối với pháp luật điều chỉnh
a) năng lực của cá nhân;
b) thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận lựa chọn tòa án;
c) công ty hoặc các tổ chức khác và tín thác (trusts);
d) phá sản;
e) hậu quả về tài sản của hợp đồng;
f) vấn đề người đại diện có thể ràng buộc người được đại diện với bên thứ ba hay không.
Tự do lựa chọn
1. Một hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên lựa chọn.
2. Các bên có thể chọn:
a) pháp luật áp dụng đối với toàn bộ hoặc chỉ một phần của hợp đồng; và
b) pháp luật khác nhau áp dụng với những phần khác nhau của hợp đồng.
3. Lựa chọn có thể được thực hiện hoặc thay đổi vào bất kỳ thời điểm nào. Một lựa chọn hoặc thay đổi được đưa ra sau khi hợp đồng được ký kết không ảnh hưởng đến hiệu lực trước đó hoặc quyền của bên thứ ba.
4. Không cần có mối liên hệ giữa pháp luật được chọn và các bên hoặc giao dịch của họ.
Nguyên tắc pháp luật
Pháp luật được chọn bởi các bên có thể là nguyên tắc pháp luật được chấp nhận chung ở cấp độ quốc tế, siêu quốc gia hoặc khu vực với tư cách một hệ thống các quy tắc trung lập và hài hòa, trừ khi pháp luật của nơi xét xử quy định khác.
Lựa chọn rõ ràng và ngầm hiểu
Một lựa chọn pháp luật áp dụng, hoặc bất kỳ thay đổi lựa chọn pháp luật áp dụng nào phải được đưa ra rõ ràng hoặc thể hiện rõ ràng từ các quy định của hợp đồng hoặc hoàn cảnh. Một thỏa thuận giữa các bên liên quan đến thẩm quyền của tòa án hoặc hội đồng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp theo hợp đồng không tự bản thân tương đương với một thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng.
Hiệu lực về hình thức của lựa chọn pháp luật áp dụng
Một lựa chọn pháp luật áp dụng không bị ràng buộc vào bất kỳ yêu cầu nào về mặt hình thức trừ khi các bên thỏa thuận khác.
Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng và xung đột về mặt hình thứ
1. Tuân theo đoạn 2 của Điều này
a) việc các bên đã đồng ý với một thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng hay chưa được xác định bởi pháp luật được cho là đã được các bên thỏa thuận;
b) nếu các bên sử dụng điều khoản tiêu chuẩn xác định hai pháp luật khác nhau và theo cả hai pháp luật đó thì cùng một điều khoản tiêu chuẩn được ưu tiên, pháp luật được xác định trong điều khoản tiêu chuẩn ưu tiên được áp dụng; nếu theo mỗi pháp luật đó các điều khoản tiêu chuẩn khác nhau được ưu tiên hoặc nếu theo một hoặc cả hai pháp luật đó không điều khoản tiêu chuẩn nào được ưu tiên thì không có lựa chọn pháp luật.
2. Pháp luật của quốc gia nơi một bên có cơ sở kinh doanh xác định bên đó đã đồng ý với lựa chọn pháp luật hay chưa, nếu phụ thuộc vào hoàn cảnh việc xác định pháp luật áp dụng quy định tại đoạn 1 là bất hợp lý.
Tính chất độc lập
Một lựa chọn pháp luật áp dụng không thể bị phản đối chỉ vì lý do rằng hợp đồng mà nó áp dụng không có hiệu lực.
Loại trừ dẫn chiếu
Một lựa chọn pháp luật áp dụng không dẫn chiếu đến các quy tắc của tư pháp quốc tế của pháp luật do các bên lựa chọn trừ khi các bên thể hiện rõ ý định khác.
Phạm vi áp dụng của pháp luật được lựa chọn
1. Pháp luật do các bên lựa chọn điều chỉnh tất cả các vấn đề của hợp đồng giữa các bên, bao gồm nhưng không giới hạn ở:
a) giải thích;
b) quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng;
c) thực hiện và hậu quả của việc không thực hiện hợp đồng, bao gồm cả đánh giá thiệt hại;
d) các cách thức khác nhau để chấm dứt nghĩa vụ, và thời hiệu, thời hạn;
e) hiệu lực của hợp đồng và hậu quả của hợp đồng vô hiệu;
f) nghĩa vụ chứng minh và các giả định pháp lý;
g) nghĩa vụ tiền hợp đồng.
2. Đoạn 1 e) không loại trừ việc áp dụng bất kỳ pháp luật điều chỉnh nào ủng hộ hiệu lực về mặt hình thức của hợp đồng.
Thế quyền
Trường hợp có sự thế quyền trong hợp đồng đối với người có nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng giữa người có nghĩa vụ và người có quyền-
a) nếu các bên trong hợp đồng thế quyền đã lựa chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó, pháp luật được chọn điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ giữa người có quyền và người thế quyền với nhau phát sinh từ hợp đồng đó;
b) nếu các bên trong hợp đồng giữa người có nghĩa vụ và người có quyền đã lựa chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó, pháp luật được chọn điều chỉnh-
i) việc thế quyền có thể được viện dẫn đối với người có nghĩa vụ hay không;
ii) quyền của người thế quyền đối với người có nghĩa vụ; và
iii) nghĩa vụ của người có nghĩa vụ đã được chấm dứt hay chưa.
Các quy định bắt buộc ưu tiên và trật tự công
1. Các quy tắc này không cản trở tòa án áp dụng các quy định bắt buộc ưu tiên trong pháp luật nước nơi xét xử mà các quy định này được áp dụng không kể pháp luật do các bên lựa chọn là pháp luật nào.
2. Pháp luật của nước nơi xét xử xác định khi nào một tòa án có thể hoặc phải áp dụng hay cân nhắc các quy định bắt buộc ưu tiên của pháp luật khác.
3. Một tòa án có thể loại trừ việc áp dụng một quy định pháp luật được các bên lựa chọn chỉ khi và trong phạm vi mà hậu quả của việc áp dụng rõ ràng trái với các nội hàm cơ bản của trật tự công của pháp luật nước nơi xét xử.
4. Pháp luật của nước nơi xét xử xác định khi nào một tòa án có thể hoặc phải áp dụng hay cân nhắc đến trật tự công của một quốc gia mà pháp luật của quốc gia đó có thể được áp dụng nếu không có lựa chọn pháp luật áp dụng.
5. Các quy tắc này không cản trở hội đồng trọng tài áp dụng hoặc cân nhắc đến trật tự công hoặc áp dụng hay cân nhắc đến các quy định bắt buộc ưu tiên của pháp luật không phải do các bên lựa chọn, nếu hội đồng trọng tài có nghĩa vụ hoặc có quyền làm như vậy.
Cơ sở kinh doanh
Nếu một bên có nhiều cơ sở kinh doanh, cơ sở kinh doanh liên quan đến mục đích của Các quy tắc này là cơ sở kinh doanh có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng vào thời điểm hợp đồng được ký kết.
Lượt xem: 619