Vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

Vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, giúp giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành với nhiều quy định tiến bộ, khẳng định rõ và nâng cao vị thế, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, nhất là vai trò tranh tụng. Bài viết này bàn luận về vai trò của luật sư, đặc biệt là vai trò tranh tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như quyền tham gia tố tụng, quyền bình đẳng với những người tham gia tranh tụng tại phiên tòa, chức năng bào chữa cho bị can, bị cáo… Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu lên một số yêu cầu cần bảo đảm để nâng cao vai trò của luật sư trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
Ở nước ta, trong một thời gian dài vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng chưa được quan tâm chú trọng. Kể từ khi Pháp lệnh về luật sư năm 1987, Luật Luật sư năm 2006 và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị bàn về “Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới” được ban hành, đây thực sự là những văn bản pháp lý quan trọng ghi nhận vai trò và địa vị pháp lý của luật sư trong hoạt động xét xử, đặt nhiệm vụ cho cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm hoạt động của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…”; “việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa… để đề ra những bản án, quyết định đúng pháp luật”; “các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư… tranh luận dân chủ tại phiên tòa”. Bị can, bị cáo hoặc thân nhân của bị can, bị cáo đã chủ động tìm đến luật sư để được tư vấn, nhờ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình và người thân của họ.
Có thể nói, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên tòa nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Luật sư còn giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật, tránh những vụ án oan, sai, góp phần tích cực vào tiến trình cải cách tư pháp do Bộ Chính trị đề ra.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015, có nhiều quy định tiến bộ nhằm nâng cao vị thế, vai trò và quyền của luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng nói riêng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn bàn về một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, về vai trò và quyền của luật sư trong hoạt động tranh tụng.
1. Vai trò tranh tụng của luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Luật sư với vai trò đại diện cho bị can, bị cáo quyền bào chữa, quyền gỡ tội, thay mặt cho bị can, bị báo đưa ra những lý lẽ chứng minh những yếu tố làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đồng thời, khi tham gia tố tụng luật sư còn cung cấp bổ sung chứng cứ (gỡ tội) cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều điểm tiến bộ, khẳng định rõ vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng nói riêng. Điển hình là quy định luật sư có quyền trong việc tham gia tố tụng như: Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, được gặp bị can, bị cáo, thu thập và xuất trình tài liệu, đồ vật, nghiên cứu hồ sơ vụ án…[1]. Tuy nhiên, không phải lúc nào, nơi nào, luật sư cũng được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các quyền của mình đã được pháp luật quy định.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng ghi nhận quyền bình đẳng của luật sư với những người tham gia tranh tụng tại phiên tòa một cách cụ thể hơn so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003[2]. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì thẩm quyền và vị thế của luật sư tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao, luật sư có quyền bình đẳng với cơ quan tiến hành tố tụng khác: “Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án”[3], đây là điểm mới so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cũng quy định cho luật sư một trong những quyền là được nghiên cứu hồ sơ vụ án, được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu có liên quan đến bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền này, có khi cơ quan điều tra cho rằng, vì tính chất của vụ án nên luật sư không được phép cho tiếp xúc và lấy hồ sơ tài liệu liên quan tới vụ án nên hạn chế việc sao chụp tài liệu, để đảm bảo tính bí mật thông tin của vụ án. Bên cạnh đó, tại phiên tòa luật sư không được nêu các câu hỏi đối với bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, hoặc không phát huy được vai trò hỏi, vai trò cung cấp chứng minh, chứng cứ có lợi cho thân chủ mà luật sư nhận bào chữa, mọi hoạt động và diễn biến tại phiên tòa đều theo sự quyết định của thẩm phán chủ tọa phiên tòa..
Trong hoạt động tố tụng, luật sư có chức năng gỡ tội cho bị can, bị cáo luôn đối lập với chức năng buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng về mặt ý nghĩa pháp lý lại đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan công bằng, đúng pháp luật, tránh cách nhìn phiến diện một chiều luôn buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc quy định bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết qủa kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết qủa tranh tụng tại phiên tòa”. Luật sư khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa có quyền bình đẳng với cơ quan tiến hành tố tụng khác, đưa ra chứng cứ, lý lẽ, suy đoán có cơ sở pháp lý, đúng pháp luật làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án hình sự, nhằm giảm nhẹ hình phạt hoặc gỡ tội cho bị can, bị cáo. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là trung tâm đánh giá chứng cứ, đối chất giữa những người tham gia tố tụng một cách công bằng, dân chủ, đó cũng là nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về ghi nhận và “bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo”. Vai trò của luật sư dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền bào chữa của bị can, bị cáo, luật sư là người tham gia tố tụng, có vai trò thực hiện chức năng bào chữa cho bị can, bị cáo góp phần giúp cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, không làm oan, sai cho người vô tội.
Có thể khẳng định rằng, vai trò của luật sư được thể hiện rõ nét nhất thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa. Điều này đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng, không còn định kiến như quan niệm trước đây là “án tại hồ sơ”, mọi kết luận đều dựa trên hồ sơ của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xác định sự thật của vụ án được quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”[4].
So sánh thẩm quyền luật sư của Việt Nam với luật sư ở một số quốc gia có nền tư pháp phát triển từ lâu đời (như: Anh, Mỹ, Đức), chúng ta thấy có sự khác biệt khá lớn về thẩm quyền trong tố tụng tranh tụng. Trên thực tế, hoạt động của luật sư Việt Nam khi tham gia các hoạt động hỏi cung gặp không ít khó khăn. Do đó, sự chủ động của luật sư trong việc tham gia hỏi cung bị can, bị cáo cùng với cơ quan điều tra không đạt hiệu quả. Mặt khác, thực tiễn cho thấy trình độ luật sư ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, có trường hợp luật sự chưa hiểu hết nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong quá trình tham gia bào chữa, còn bị động trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, đôi khi luật sư đi ngược lại với lợi ích của bị can, bị cáo mà mình nhận bào chữa. Khả năng tranh tụng của luật sư tại phiên tòa chưa hiệu quả, chưa đi sâu vào các tình tiết khách quan, chưa đưa ra được những luận điểm bào chữa có lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ, chưa đáp ứng được với yêu cầu đòi hỏi xét xử theo hướng tranh tụng mới hiện nay. Vấn đề về đạo đức của luật sư cũng cần được coi trọng, trong thực tế có trường hợp luật sư vừa tham gia bảo vệ cho thân chủ bên này, nhưng lại cung cấp thông tin, hồ sơ chứng cứ cho bên kia để nhằm trục lợi cá nhân. Chính vì vậy, cần phải đặt ra vấn đề bồi thường cho thân chủ khi luật sư gây thiệt hại tới quyền và lợi ích của thân chủ trong quá trình tham gia bào chữa.
2. Nâng cao vai trò của luật sư trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa
Tranh tụng của luật sư tại phiên tòa là nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận, nâng cao vai trò tranh tụng của luật sư tại phiên tòa. Để đảm bảo việc tranh tụng hiệu quả, thuyết phục được những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho thân chủ, chúng tôi cho rằng luật sư cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án; nghiên cứu bản cáo trạng; nghiên cứu kết luận điều tra của cơ quan điều tra; nghiên cứu văn bản pháp luật liên quan tới vụ án; nghiên cứu văn bản tố tụng; nghiên cứu về tài liệu liên quan tới vụ án; nghiên cứu vấn đề giám định; các loại văn bản giấy tờ chứng cứ của bị can, bị cáo; nghiên cứu các tài liệu; nghiên cứu các lĩnh vực khoa học có tính chất gần, liên quan. Luật sư là người nắm rõ và tổng hợp được tất cả những vấn đề của vụ án, có sự đánh giá, phân tích khách quan đến từng chi tiết chứng cứ, tìm ra những mâu thuẫn trong lời khai, minh chứng là cơ sở để lập luận bảo vệ cho thân chủ của mình tại phiên tòa.
Thứ hai, cần gặp gỡ trao đổi với bị can, bị cáo, đặt ra các câu hỏi để hướng bị can, bị cáo nhớ, tường thuật lại tình tiết xảy ra trong vụ án, trả lời một cách trung thực, khách quan; bên cạnh đó cũng cần phải có kiến thức, kinh nghiệm trong việc hỏi, lấy lời khai khi tham gia tiếp xúc gặp gỡ bị can, bị cáo; có kinh nghiệm sử dụng các thiết bị để lưu trữ các thông tin do bị can, bị cáo cung cấp.
Thứ ba, cần thu thập được các tài liệu chứng cứ liên quan tới vụ án, đặc biệt cần nắm bắt được những chứng cứ quan trọng nhằm gỡ tội hoặc giảm nhẹ tội cho thân chủ trên tinh thần tuân thủ pháp luật, không đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp của luật sư; có kinh nghiệm tổng hợp và chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa kỹ lưỡng như: Chuẩn bị những luận cứ quan trọng để bảo vệ cho thân chủ; chuẩn bị được câu hỏi, chiến thuật hỏi để tham gia quá trình tranh tụng; chuẩn bị các tài liệu liên quan tới vụ án; luật sư cũng cần phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt và kỹ năng hùng biện tranh tụng lôi cuốn, thuyết phục sự chú ý của người tiến hành tố tụng bằng các lập luật vững chắc, chứng cứ xác đáng nhằm làm có lợi cho thân chủ mà luật sư tham gia bảo vệ.
Thứ tư, trong quá trình tham dự phiên tòa luật sư phải có chiến thuật trong việc nêu câu hỏi và đặt câu hỏi hướng vào các tình tiết khách quan, chứng cứ có lợi cho thân chủ được bảo vệ. Hình dung được kịch bản cho việc hỏi, đối thoại với bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Luật sư phải thực sự linh hoạt, ứng biến trong các tình huống diễn biến tại phiên tòa; luật sư có chiến thuật vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức pháp lý vận dụng theo hướng có lợi nhất để bảo vệ cho thân chủ; có chiến thuật trong việc đưa ra các câu hỏi cho người làm chứng để họ cung cấp các thông tin một cách chính xác, khách quan, chất vấn những tình tiết trong vụ án có tính chất mâu thuẫn bất hợp lý vận dụng để bảo vệ cho thân chủ.
Thứ năm, luật sư cần phải được đào tạo kỹ càng chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tranh tụng. Nhà nước có chính sách hợp lý, đãi ngộ chú trọng công tác đào tạo luật sư giỏi, để làm thay đổi nhận thức hiện nay đối với giới luật sư. Kiến tạo được cán cân công bằng giữa luật sư phải thực sự bình đẳng với cơ quan tiến hành tố tụng khác, có như vậy mới khách quan, công bằng, tránh được những vụ án oan sai như báo chí đưa ra trong thời gian gần đây.
Để vai trò của luật sự thực sự phát huy được hiệu quả trong hoạt động xét xử, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải sớm xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục tranh tụng của luật sư tại phiên tòa, trong đó cần quy định điều kiện thuận lợi để cho luật sư được thực hiện đầy đủ các quyền của mình đã được pháp luật quy định.
Bùi Thị Chinh Phương
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội